Statistical Access Statistical Access

User Online: 9,584
Total visited in day: 2,605
Total visited in Week: 27,675
Total visited in month: 98,336
Total visited in year: 581,413
Total visited: 10,109,157

Đẩy mạnh Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+

Năm 2023, kinh tế Bắc Giang tiếp tục thu được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt 13,45%, đứng thứ nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế GRDP ngày càng mở rộng, đạt 181,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 7,6 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 12 cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2022, tiếp tục đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện mạnh mẽ; Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các Nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các chỉ số đánh giá cấp tỉnh có sự cải thiện tích cực: chỉ số PCI tăng 29 bậc, đứng thứ 2 cả nước; chỉ số chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đứng đầu cả nước; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tăng 3 bậc, đứng thứ 4 cả nước; chỉ số về chuyển đổi số tăng 1 bậc, đứng thứ 9 cả nước….Thu hút đầu tư đạt kỷ lục mới (đến nay đạt trên 3,2 tỷ USD); trong đó thu hút FDI đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước, tính riêng vốn cấp mới FDI (không bao gồm vốn điều chỉnh tăng) Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước sau Quảng Ninh. Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai đồng bộ, toàn diện. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Có được kết quả nêu trên có vai trò rất quan trọng công tác chuyển đổi của tỉnh trong thời gian qua, trong đó kinh tế số đóng góp tỷ trọng trong GRDP đạt 42.13% đứng thứ 3 cả nước.

 

(Đ/c Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ CĐS tỉnh dư phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang)

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đặt ra nhiệm vụ tập trung. Vấn đề thứ nhất là triển khai hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội trong tỉnh; trong năm 2023, tỉnh đã ban hành ban hành 02 chỉ thị, 32 quyết định, 25 kế hoạch, 47 văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào số hóa số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên về đất đai; cơ sở dữ liệu chuyên ngành; cắt giảm thủ tục hành chính. Thứ hai là tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý về nhân khẩu, về con người, về hệ thống camera giám sát, an ninh trên toàn tỉnh. Thứ ba là gắn chặt quá trình chuyển đổi số với phát triển ngành, lĩnh vực. Một điểm nữa chúng tôi cũng rất quan tâm là việc xây dựng đô thị thông minh: Bắc Giang đã phê duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh của tỉnh đến năm 2030, trong đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để công tác quản lý minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn, tạo ra một chính quyền thân thiện với người dân, với doanh nghiệp. Đến nay, Bắc Giang đã đưa vào khai thác vận hành trung tâm điều hành thông minh IOC, một số đơn vị cấp huyện như: thành phố Bắc Giang trong tháng 4/2023 cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); Thị xã Việt Yên (mới được Quốc hội thành lập) cũng xây dựng xong Khung kiến trúc ICT. Đến nay, Bắc Giang cũng đã hoàn thành và vượt mức 37/38 chỉ tiêu về chuyển đổi số của Chính phủ giao, hoàn thành và vượt mức 30/32 chỉ tiêu do Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh giao.

Bên cạnh đó trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức và kỹ năng số của người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; hạ tầng số thiếu đồng bộ giữa các cấp chính quyền; nguồn nhân lực số của tỉnh Bắc Giang còn nhiều bất cập; việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu cấp Bộ, ngành và địa phương còn vướng mắc...

Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang hiệu quả, thực chất đòi hỏi có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2024, Bắc Giang xác định bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TTTT về chuyển đổi số để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số đồng bộ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số” và nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số” và đặc biệt là tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin và phát triển kinh tế số, xã hội số sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2024. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cốt lõi như:

Thứ nhất, đặt trọng tâm vào việc đẩy nhanh tốc độ số hóa, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong số hóa các quy trình, thủ tục hành chính; xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung của các ngành; khai thác triệt để những tiện ích và giá trị của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước.

Thứ hai, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hệ thống nền tảng số, kho dữ liệu số hiện đại phục vụ việc chia sẻ, kết nối, khai thác và phân tích dữ liệu. Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dữ liệu mở, định danh điện tử và đẩy nhanh thực hiện cung cấp chữ ký số miễn phí cho nhân dân vì lợi ích thiết thực của nhân dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng số hiện đại; đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Đây là yếu tố then chốt, là nền tảng vững chắc để chuyển đổi số đi vào chiều sâu. 

Thứ tư, đẩy mạnh tốc độ và phạm vi ứng dụng công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực, từ giáo dục, y tế cho đến nông nghiệp, tài chính, ngân hàng... nhằm đem lại cuộc sống hiện đại cho nhân dân.

Thứ năm, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT, bảo đảm an toàn thông tin mạng và Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp. Đây chính là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số./.

Linh Đồng