Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 17,438
Tổng số trong ngày: 3,867
Tổng số trong tuần: 6,842
Tổng số trong tháng: 110,294
Tổng số trong năm: 593,371
Tổng số truy cập: 10,121,115

Để người có công không tái nghèo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Để từng bước nâng cao chất lượng đời sống người có công (NCC), ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) phấn đấu đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng chính sách. Tại Bắc Giang, nhiệm vụ này đã hoàn thành trong năm 2019. 

Chọn hình thức hỗ trợ phù hợp

Trong kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019, Sở LĐTBXH tham mưu với UBND tỉnh triển khai các giải pháp nhằm giảm 100% hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công.

 Thương binh Nguyễn Khắc Đảm (SN 1956, bên trái), thôn Huê Vận 1, xã Bảo Sơn (Lục Nam) thoát nghèo từ mô hình trồng ổi.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH), từ chủ trương này, các địa phương tập trung rà soát, nắm chắc tình hình đời sống NCC thuộc hộ nghèo trong toàn tỉnh. Từ đó tham mưu hình thức hỗ trợ phù hợp với tiêu chí thiếu hụt, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, dần ổn định đời sống. Qua rà soát, còn 125 hộ có thành viên đang hưởng chính sách ưu đãi NCC ở 7 huyện gồm: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa.

Tại huyện Lục Nam, qua rà soát có 39 hộ nghèo thuộc diện NCC. Ông Vũ Trí Bào, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: Trong năm 2019, với sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, địa phương, 22 hộ đã tự nguyện thoát nghèo; 7 hộ cũng ra khỏi danh sách do thành viên là NCC đã mất hoặc chuyển khẩu đến sống cùng người thân có điều kiện sống tốt hơn. 10 hộ còn lại thực sự khó khăn về nhà ở, điều kiện sinh hoạt được huyện trích tổng kinh phí gần 120 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ kịp thời. Kết quả, cuối năm 2019, huyện không còn hộ NCC nghèo.

 

Năm 2019, bằng các hình thức thiết thực như: Hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng quà, trợ cấp khó khăn về đời sống; giúp vốn phát triển sản xuất...125 hộ, đạt 100% hộ nghèo thuộc diện NCC trong toàn tỉnh đã thoát nghèo.

 

Không chỉ giúp kinh phí cải tạo nhà ở, các địa phương cũng quan tâm hỗ trợ vốn, cây, con giống để hộ nghèo là NCC thoát nghèo. Ví như ông Ngụy Phan Bình (SN 1956), thương binh 1/4, nạn nhân chất độc da cam ở thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng) đã vươn lên cải thiện đời sống nhờ được hỗ trợ sinh kế. Năm 2016, qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối, gia đình ông được tặng một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Sau thời gian chăm sóc, gối lứa, tiết kiệm tiền lãi từ bán bê con để đầu tư, đến nay, gia đình ông thường xuyên nuôi khoảng 20 con bò, trở thành tấm gương thương binh nỗ lực thoát nghèo ở địa phương.

Tiếp tục rà soát, duy trì kết quả bền vững

Hiện nay, tỉnh đang quản lý khoảng 160 nghìn hồ sơ NCC. Trong đó có 21 nghìn liệt sĩ; 22 nghìn thương binh, bệnh binh; hơn 1,3 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam… Hiện còn hơn 28 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Nhờ huy động nguồn xã hội hóa, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tỉnh thu được nhiều kết quả nổi bật, cải thiện đáng kể đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Đặc biệt, trong năm 2019, bằng các hình thức thiết thực như: Hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng quà, trợ cấp khó khăn về đời sống; giúp vốn phát triển sản xuất nên 125 hộ, đạt 100% hộ nghèo thuộc diện NCC trong toàn tỉnh đã thoát nghèo.

Nhờ được hỗ trợ sinh kế, ông Ngụy Phan Bình, thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng) đã vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi với ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH được biết: Nguyên nhân nghèo của các hộ có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC là do không có sức lao động, nhiều người phụ thuộc, đau ốm dài ngày với chi phí điều trị tốn kém, thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định. Một số thành viên trong các hộ nghèo NCC tuy ở độ tuổi lao động nhưng chưa nỗ lực vươn lên, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh tiếp tục đưa ra mục tiêu giảm nghèo cho 100% hộ cận nghèo là NCC, việc duy trì bền vững kết quả với hộ nghèo thuộc diện chính sách đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương quan tâm, tập trung các nguồn lực hỗ trợ.

Là địa phương có số hộ nghèo là NCC lớn nhất tỉnh (58 hộ), điều kiện khó khăn hơn các huyện vùng xuôi nhưng Sơn Động vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, kinh nghiệm của huyện là với quyết tâm năm 2019, 100% hộ NCC thoát nghèo, UBND huyện xây dựng phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trực tiếp đến tìm hiểu, xác định nguyên nhân, nắm bắt nhu cầu của từng hộ để có giải pháp giảm nghèo phù hợp. Sau khi trợ giúp để các hộ thoát nghèo, các đoàn thể vẫn thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống của từng hộ, kịp thời hỗ trợ, không để tái nghèo.

Về giải pháp lâu dài, với những hộ không còn khả năng lao động, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ thường xuyên, lâu dài từ nguồn xã hội hóa. Với hộ nghèo NCC còn cơ hội sản xuất thì ưu tiên, lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ vay vốn, cây, con, giống, kỹ thuật, giúp NCC xây dựng mô hình kinh tế thuận lợi, tăng thu nhập. Bên cạnh đó vận động để các hộ xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự lực vươn lên.

Theo Baobacgiang.com.vn