Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 17,497
Total visited in day: 3,870
Total visited in Week: 6,845
Total visited in month: 110,297
Total visited in year: 593,374
Total visited: 10,121,118

Đổi mới cơ chế hỗ trợ, giúp hộ nghèo vươn lên

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

(BGĐT) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã gần về đích với kết quả hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Để các hộ không tái nghèo, giải pháp trọng tâm là tăng cường đổi mới cơ chế hỗ trợ, giúp người nghèo tự lực vươn lên.

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang còn hơn 33,1 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,29%, giảm 2,24% so với năm 2017. Như vậy, từ năm 2015 (năm đầu tiên rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều) đến nay, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,2%, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. 

Chị Trần Thị Viết, bản Cây Vối, xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế (thứ hai  từ trái sang) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ từ dự án nuôi bò. 

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), kết quả này khẳng định sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và những nỗ lực của người nghèo. “Qua việc lồng ghép hợp lý các nguồn kinh phí, hộ nghèo được trợ giúp cây, con giống có điều kiện. Cách làm này giúp họ tự lực, trách nhiệm với nguồn hỗ trợ, phấn đấu xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Thắng nhấn mạnh.

Là một trong 5 địa phương được hỗ trợ từ chương trình 135, huyện Yên Thế hiện có 22 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ở 5 xã: Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Tiến Thắng, Đồng Hưu. Với xuất phát điểm thấp (năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 20,82%), lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã khảo sát, lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên để hỗ trợ hộ nghèo sau đó nhân rộng. 

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai 6 dự án chăn nuôi bò, dê sinh sản, thương phẩm tại các xã; hỗ trợ sinh kế cho gần 200 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng. Cách làm này đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2018 xuống còn 10,9%; 5 xã ĐBKK hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 20 - 25%/xã. 

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo cán bộ LĐTBXH các xã rà soát, lập danh sách hộ nghèo có nhu cầu tham gia dự án. Trên cơ sở đó lựa chọn cấp vốn cho hộ có sức khỏe, ý chí thoát nghèo, có năng lực để đối ứng khoảng 1/2 phần kinh phí mua bò, dê giống”.

Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh được phân bổ khoảng 550 tỷ đồng. Gần 50% số kinh phí này được dành hỗ trợ hộ nghèo về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật khi tham gia các mô hình, dự án giảm nghèo.

Gia đình chị Trần Thị Viết (SN 1976), bản Cây Vối, xã Đồng Tiến là một trong số đó. Năm 2016, chị bàn với chồng bỏ một phần tiền tham gia mô hình nuôi bò sinh sản. Nhờ có sinh kế phù hợp, đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo.

Chị Viết chia sẻ: “Ngoài được hỗ trợ con giống, chúng tôi còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn, thường xuyên phổ biến kiến thức chăm sóc, phòng dịch bệnh. Hiện bò nái đã đẻ 3 lứa, gia đình tôi có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học”.

Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bình quân mỗi năm, huyện Lục Nam được phân bổ khoảng 300 triệu đồng nhân rộng mô hình giảm nghèo. Năm nay, số tiền này dành hỗ trợ 50 hộ nghèo của 10 thôn thuộc hai xã ĐBKK là Trường Giang, Trường Sơn xây dựng mô hình trồng bưởi Diễn. Mỗi hộ được cấp 50 cây. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện thực hiện hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hình thức trợ giúp một phần. 

Ví dụ như sau khi nhận cây giống hỗ trợ, bà con sẽ phải bỏ kinh phí mua phân bón, vật tư nông nghiệp. “Huyện chỉ đạo các xã cử cán bộ khuyến nông đến từng hộ dân hướng dẫn cách trồng, kỹ thuật chăm sóc và bám sát quá trình phát triển của cây trồng, vật nuôi, bảo đảm nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả. Đặc biệt, quan tâm đến các hộ nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số, quyết tâm không để tái nghèo”, ông Toàn nhấn mạnh.

Dù đạt những kết quả nổi bật nhưng công tác giảm nghèo vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Hiệu quả từ nguồn hỗ trợ với hộ nghèo chưa thực sự bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để hoàn thành kế hoạch giảm nghèo năm 2019 và cả giai đoạn, các ngành, địa phương tiếp tục phân bổ, lồng nghép các chương trình, chính sách hỗ trợ đặc thù để phát huy hiệu quả nguồn vốn. 

Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tích cực nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình, dự án giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện từng vùng, miền. Từ đó, tập trung đổi mới cơ chế hỗ trợ, tạo động lực cho người nghèo vươn lên.

Theo Tường Vi- BBG