Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 19,407
Total visited in day: 109
Total visited in Week: 3,084
Total visited in month: 106,536
Total visited in year: 589,613
Total visited: 10,117,357

Bắc Giang: chặng đường 10 năm thi hành Luật Báo chí(1999-2009)

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

           Luật Báo chí nước ta được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989 và được sửa đổi, bổ sung ngày 12/6/1999, đã tạo hành lang pháp lý cho báo chí cả nước trong đó có báo chí Bắc Giang phát triển, phát huy tác dụng tích cực, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vµ quá trình hội nhập quốc tế.

Tỉnh Bắc Giang có 3 cơ quan báo chí hoạt động, được Bộ Văn hoá-Thông tin cấp phép là Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Tạp chí Sông Thương của Hội Văn học Nghệ thuật.

Với 4 loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), báo chí Bắc Giang đã trở thành hệ thống thông tin đa phương tiện, làm tốt chức năng tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến với nhân dân và phản ánh ý kiến nguyện vọng của nhân dân với Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương theo tinh thần của Luật Báo chí, Luật Báo chí sửa đổi, Sở Văn hoá-Thông tin, Hội Nhà báo tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình đặc biệt chú ý tới công tác tuyên truyền phổ biến Luật Báo chí. Lãnh đạo các cơ quan trên đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức học tập Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Báo chí tới tất cả cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Sở Văn hoá-Thông tin đã phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh mời lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ VHTT) về Bắc Giang, truyền đạt Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Báo chí, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Báo chí tới các hội viên nhà báo, các cán bộ Sở Văn hoá-Thông tin, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin-Thể thao các huyện, thị xã. Qua đó, giúp cho lãnh đạo cơ quan báo chí và mọi người nắm vững Luật để tác nghiệp và thực thi nhiệm vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của người làm báo.

(Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm gian trưng bày Hội Báo Xuân 2010 tại Bắc Giang)

Thi hành Luật Báo chí, trong những năm qua, Báo Bắc Giang-cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh bắc Giang, đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng là đội quân tiên phong của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, là người “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”, góp phần định hướng dư luận xã hội, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Báo đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, là người tuyên truyền hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; đồng thời là diễn đàn của nhân dân, phản ánh trung thực, sinh động dư luận xã hội, góp phần vào việc hoạch định các chính sách, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Báo Bắc Giang luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo Đảng ở địa phương, tuyên truyền sâu rộng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Với tinh thần đổi mới, thực hiện Luật Báo chí sửa đổi, Báo Bắc Giang đã xuất bản tăng từ 3 kỳ/tuần thay vì 2kỳ/ tuần, như  trước đây khi tái lập tỉnh. Năm   2000 lên 4kỳ và từ năm 2002 tăng 5kỳ/tuần như hiện nay với số lượng in không ngừng tăng lên ; chuyên đề Báo Bắc Giang Cuối tháng từ 2 tháng/kỳ tăng lên 1 tháng/kỳ. Từ năm 2006, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ và được phép của Bộ Văn hoá-Thông tin, Báo Bắc Giang ra thêm một ấn phẩm mới là Báo Giang Điện tử.

Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 11/CT-TW của Bộ Chính trị về mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng, công tác phát hành Báo Bắc Giang đã có sự tiến bộ vượt bậc. Nếu như trước năm 2000 số lượng phát hành bình quân đạt 3700tờ/kỳ, lên 5.871 tờ/kỳ thì đến nay, năm 2009 phát hành trên 9000tờ/kỳ, tăng gần 70% so với thời gian trước khi có Luật Báo chí sửa đổi. Ban Biên tập Báo Bắc Giang luôn quan tâm đến công tác phát hành báo, bố trí cán bộ chuyên trách thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong tỉnh làm tốt công tác phát hành.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, Đài PT-TH Bắc Giang luôn chú trọng bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, mở nhiều đợt tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, mở nhiều chuyên mục trên sóng phát thanh và truyền hình. Lãnh đạo Đài quán triệt, chỉ đạo các phóng viên luôn bám sát cơ sở, phát hiện, biểu dương nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân, đồng thời phê phán các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu hoặc phản ánh những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Đây cũng là kênh thông tin giúp cho lãnh đạo tỉnh có những biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Các phóng viên, biên tập viên của Đài PT-TH Bắc Giang do được họp tập Luật Báo chí, được thường xuyên giáo dục đạo đức, nghề nghiệp nhà báo, nên hầu hết mọi người đều xác định và nêu cao được ý thức trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Các phóng viên được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí đúng qui định của pháp luật. Các thông tin của Đài PT-TH đều đảm bảo tính trung thực phù hợp với lợi ích của đất nước, phản ánh ý kiến nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, có phóng viên do trình độ nhận thức hoặc do hạn chế thông tin nên đưa một vài vụ việc thiếu khách quan, thiếu cân nhắc, đã được cơ quan rút kinh nghiệm kịp thời, đồng thời cải chính thông tin theo đúng qui định của Luật Báo chí.

Thực hiện các Đề án: "Mở rộng diện tích phủ sóng PTTH trên phạm vi toàn tỉnh đến năm 2005 và những năm tiếp theo" và "Phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở giai đoạn 2001-2005", Đài PTTH tỉnh đã có nhiều nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong tỉnh. Đài thường xuyên quan tâm, củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, không ngừng nâng cao chất lượng các tin bài, chuyên mục, chương trình, tăng cường các trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác biên tập và phát sóng. Đến nay, hệ thống phát thanh hoạt động 10h/ngày,  phát hình 18h30/ngày.

Tạp chí Sông Thương là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học-Nghệ thuật Bắc Giang, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra là giới thiệu những sáng tác, phê bình, nghiên cứu văn học nghệ thuật của đông đảo văn nghệ sĩ và cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, phản ánh nhiều mặt cuộc sống của nhân dân các dân tộc Bắc Giang dưới góc nhìn văn học, đồng thời Tạp chí còn có chức năng phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ, phục vụ cho sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Tạp chí Sông Thương đã tích cực tổ chức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chính trị cho cán bộ, hội viên. Trực tiếp mở các trại sáng tác và cử hội viên tham gia các trại sáng tác do các Hội ở Trung ương tổ chức. Tạp chí có nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ bạn đọc. Trước đây, Tạp chí xuất bản định kỳ 3 tháng/số, đến nay xuất bản ổn định 2 tháng/số với số lượng phát hành 1000 bản/kỳ, đảm bảo về chất lượng, nội dung tin bài, đổi mới về hình thức thể hiện. Hội Văn học-Nghệ thuật, Hội Nhà báo tỉnh còn phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, thực hiện in ấn, xuất bản tác phẩm cho các hội viên, tạo điều kiện cho các hội viên có tác phẩm tham gia triển lãm, trưng bày giới thiệu tác phẩm theo đúng qui định.

Tạp chí Sông Thương tham gia thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến Luật Báo chí, Nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật đến các phóng viên, biên tập viên trong cơ quan và đông đảo cộng tác viên bằng hình thức phổ biến trong các cuộc giao ban tháng, giao ban quí trong Ban biên tập, trong các hội nghị cộng tác viên hàng năm, các cuộc tổng kết các Chi hội chuyên ngành sáng tác. Hội Văn học-Nghệ thuật Bắc Giang là cơ quan chủ quản của Tạp chí Sông Thương đã xác định, chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành, ngôn ngữ thể hiện của tờ tạp chí văn nghệ, chỉ đạo Ban biên tập Tạp chí thực hiện nhiệm vụ, phương hướng, kế hoạc hoạt động, tạo điều kiện choTạp chí hoạt động...

Thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Thông tin & Truyền thông Bắc Giang đã tham mưu với UBND tỉnh  có văn  bản đề nghị các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố, cung cấp danh sách, họ tên, chức vụ người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, Sở Thông tin & Truyền thông đã tập hợp được danh sách các cơ quan trong tỉnh, có người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí, báo cáo UBND tỉnh và thông báo cho cơ quan báo chí của tỉnh và các cơ quan báo chí TW thường trú trên địa bàn biết để tác nghiệp.

Gần đây, thực hiện Hướng dẫn số 4318/BTTTT-HD của Bộ Thông tin & Truyền thông về việc qui hoạch  mạng lưới báo in đến năm 2020, Sở Thông tin & Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh, mời các thành viên trong Ban chỉ đạo qui hoạch của tỉnh gồm Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội nhà báo, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin & Truyền thông và các cơ quan báo in của tỉnh, bàn thảo về qui hoạch báo in của tỉnh Bắc Giang đến năm 2020. Kết quả, ngày 19/3/2009, UBND tỉnh Bắc Giang có báo cáo số 18/BC-UBND gửi Bộ Thông tin & Truyền thông về qui hoạch hệ thống báo in tỉnh Bắc Giang đến năm 2020. Theo đó:

     - Duy trì theo hướng phát triển 02 cơ quan báo in hiện có là Báo Bắc Giang và Tạp chí Sông Thương thuộc Hội Văn học-Nghệ thuật Bắc Giang.

     -Đề nghị thành lập mới Tạp chí Khoa học-Công nghệ Bắc Giang.

Chặng đường 10 năm qua, công tác quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được thực hiện nghiêm túc. Các ấn phẩm báo chí phát hành đều có nội dung tốt, đúng đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, các cơ quan chủ quản báo chí, công tác quản lý của các cấp chính quyền đã được coi trọng nên hoạt động của báo chí những năm qua đã đi đúng định hướng và ngày càng tốt hơn trong việc phục vụ những nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, cũng như từng ngành, từng địa phương.

Hàng tháng, hàng quí, Sở Thông tin & Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo tổ chức giao ban báo chí, kiểm điểm, đánh giá công tác báo chí-xuất bản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hoạt động báo chí ở tỉnh ta còn tồn tại một số hạn chế sau:

Tính chiến đấu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhìn chung chưa mạnh, có một số tin bài phản ánh còn chưa sâu sát với thực tiễn; các bài nghiên cứu, điều tra, bình luận sâu sắc, có giá trị phát hiện vấn đề, đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết còn ít.

Chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt, tuyên truyền các những điển hình tiên tiến trong phong trào cách mạng địa phương. Hình thức thể hiện của báo, tạp chí hình ảnh còn chưa đẹp nên tính hấp dẫn chưa cao.

Số lượng các bài viết về công tác xây dựng Đảng còn ít; sự nhạy cảm chính trị phát hiện cái mới của một số phóng viên còn hạn chế, chưa có nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng tốt đối với bạn đọc.

Sở Thông tin & Truyền thông đã thể hiện vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này nhưng công việc chưa được tiến hành thường xuyên nên còn hạn chế trong việc quản lý, kiểm tra các hoạt động báo chí.

          Mỗi giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của tỉnh Bắc Giang nói riêng, đồng nghĩa với việc các cơ quan báo chí và những người làm báo có thêm vinh dự, trách nhiệm và thời cơ để phát triển. Tăng cường công tác quản lý báo chí, chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của các nhà báo, chính là nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trần Hoành