Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,102
Tổng số trong ngày: 4,389
Tổng số trong tuần: 37,188
Tổng số trong tháng: 59,516
Tổng số trong năm: 542,593
Tổng số truy cập: 10,070,337

Bắc Giang: Nỗ lực giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Nhiều năm gần đây, Bắc Giang luôn là địa phương đáng báo động về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Với nhiều nỗ lực, Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh (SRB) không vượt quá mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái và ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030.

Thực trạng đáng báo động

Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam hiện đã đạt mức sinh thay thế, tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền, các tỉnh. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng cao trong những năm gần đây. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này vẫn do nhận thức không đúng về bình đẳng giới, dẫn đến lựa chọn giới tính thai nhi. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn khá nặng nề, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi. Tâm lý muốn có con trai để có người “nối dõi tông đường” và suy nghĩ về nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già sau này “chủ yếu sống dựa vào con trai” đã ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, kể cả trong đội ngũ cán bộ, trí thức, người có địa vị trong xã hội. Mặt khác, nhiều người lạm dụng sự phát triển của y học hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi. Trước đây, đối tượng vi phạm chính sách dân số thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, nhưng nay chủ yếu diễn ra ở thành thị, vùng đông dân cư, người dân có nhận thức cao, biết tìm đến kỹ thuật hiện đại chọn lọc sinh sản để hỗ trợ sinh con theo ý muốn. Mặt kác, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chưa đủ mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu thực hiện chính sách dân số gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.

Theo kết quả điều tra năm 2019 cho thấy: tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ở mức 126,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009 là 116,8 trẻ trai/100 trẻ gái) và cao nhất cả nước. Số con trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hàng năm cao, ở mức 2,31 con. Tỉ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên có chiều hướng tăng, năm 2020 là 15,4% so với số sinh. Đáng chú ý là cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 gia tăng hằng năm. Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có mức sinh cao nhất toàn quốc. Mức sinh tăng trở lại (sau gần 10 năm đạt mức sinh thay thế) đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Học sinh trường THPT Ngô Sỹ Liên trao đổi về bình đẳng giới.

Hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh về lâu dài sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, làm biến đổi cơ cấu dân số theo giới tính, đồng thời tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động, việc làm, gây nên bất bình đẳng giới và bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội…

Nhiều biện pháp nhằm đạt mục tiêu cân bằng SRB

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, đến năm 2030, SRB dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Để đạt được mục tiêu nêu trên, theo Tổng Cục Dân số cần tập trung vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức của lãnh đạo và người dân. Mặt khác, cần thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới thích hợp tại trường học cho từng cấp học, ngành học. Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tổ chức các chuyên đề, chiến dịch, sự kiện truyền thông với nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời thực hiện nghiêm cấm, nâng mức phạt nặng đối với các trung tâm y tế, cơ sở khám thai sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi. Ðáng chú ý, cần cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.

Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới, như công tác truyền thông vận động đến thực thi pháp luật và nâng cao vị thế, vai trò của nữ giới trong gia đình, xã hội. Các biện pháp khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được tăng cường, thông qua việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các hội nghị chuyên đề của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đưa nội dung về chính sách dân số, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến nhóm nam, nữ, người lao động trong các các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, nội dung này cũng được đưa vào trường học, thông qua các hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề về giới; triển khai hoạt động hỗ trợ, để phụ nữ có điều kiện phát triển như dạy nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái; đưa nội dung không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính thai nhi vào quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; ký cam kết không hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng hòm thư, đường dây nóng thu nhận tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tuyên truyền, lựa chọn giới tính thai nhi ở cộng đồng dân cư; thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về dân số và xử lý nghiêm hành vi vi phạm…

Một buổi tư vấn sức khoẻ sinh sản tại Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự.

Trong thời gian tới, giải pháp mang tính cấp thiết là các địa phương cần không ngừng nâng cao chất lượng dân số, chú trọng truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời tình trạng tăng sinh con thứ 3 trở lên, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số; tăng cường quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, chăm sóc sức khỏe sinh sản để kiểm soát tình trạng thông báo, tư vấn, chọn lọc giới tính thai nhi; thực hiện tuyên truyền đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó nên khai thác ưu thế từ các trang fanpage, mạng xã hội như facebook, zalo… mang lại. Với những biện pháp nêu trên, Bắc Giang hướng đến việc khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, phấn đấu giảm dần hằng năm và đạt mức cân bằng tự nhiên, đặt mục tiêu năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái và ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030./.

Vân Hồng