Statistical Access Statistical Access

User Online: 13,964
Total visited in day: 8,637
Total visited in Week: 11,612
Total visited in month: 115,064
Total visited in year: 598,141
Total visited: 10,125,885

Chung tay nâng tầm giá trị Vải thiều Bắc Giang

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+

Vụ vải thiều năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Bắc Giang đã quyết tâm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều, không ngừng nâng cao giá trị quả vải trong thị trường nội địa và trên thị trường quốc tế.

Tổ chức sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Năm 2021, diện tích vải thiều tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha với sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Ngay sau khi kết thúc vụ vải năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, không mở rộng diện tích mà tập trung phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều. Sở NN&PTNT cùng UBND các huyện tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ, ban điều hành, tổ hợp tác và các hộ nông dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; khuyến cáo sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng trên vải, ưu tiên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, đảm bảo thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc và không sử dụng thuốc chứa hoạt chất đối với các thị trường đã cấm như Mỹ, Úc, Nhật Bản.

 

Tỉnh chỉ đạo triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm vải thiều (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm), qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, UBND các huyện cũng hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo doanh nghiệp có đủ sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất và kinh doanh vải thiều trên địa bàn.

Hình thức bảo quản, đóng gói sản phẩm vải thiều được đa dạng hóa, trong đó các doanh nghiệp/hợp tác xã ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại, tiên tiến (công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ CAS của Nhật, công nghệ Jural của Israen…); nâng cấp các cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản và cơ sở xông hơi khử trùng… đảm bảo đủ năng lực cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các nước.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận Bằng Chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản “Vải thiều Lục Ngạn”

Bắc Giang hạ quyết tâm thực hiện mục tiêu bảo vệ vùng sản xuất vải thiều tập trung (Lục Ngạn, Tân Yên) an toàn, sạch bệnh Covid-19 đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều với phương châm “Vải thiều Bắc Giang chất lượng vượt trội được sản xuất tại các vùng không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Kết quả thực tế năm 2021, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125.000 tấn; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc… diện tích 281 ha với sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất sang thị trường Nhật Bản, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo 30 mã số vùng trồng với diện tích 219 ha, 260 hộ nông dân tham gia, sản lượng khoảng 1.800 tấn. Đối với thị trường Trung Quốc, Bắc Giang tiếp tục duy trì 149 mã vùng trồng tại Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn với diện tích 15.800 ha, sản lượng ước đạt 95.000 tấn.

Cùng chắp cánh cho thương hiệu Vải thiều Bắc Giang

Để ứng phó trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát, Bắc Giang đã xây dựng và kích hoạt cả 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021; đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh; phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản. Đặc biệt, Bắc Giang đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 với sự tham dự của 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc. Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh trong hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, đồng thời mong muốn không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng có cách làm tương tự để nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản.

 

Công ty Vincommerce (Vinmart, Vinmart+) là một doanh nghiệp nội địa đã có 7 năm hình thành và phát triển, luôn tiên phong trên thị trường bán lẻ hiện đại trong nước. Phát biểu tại đây, Bà Nguyễn Thị Phương-Phó Giám đốc Công ty “cam kết chung tay với bà con nhân dân Bắc Giang, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành tại địa phương sẽ đẩy nhanh việc thu mua, và tăng cường sản lượng tiêu thụ đặc sản tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang là trái vải thiều Lục Ngạn tại hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+”.

 

Tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, Bà Trần Kim Nga- Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết: Chương trình khuyến mãi từ ngày 01/06 đến ngày 16/06 với chủ đề “Hội chợ trái cây nhiệt đới” được thực hiện tại hệ thống các trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc. Trong suốt chương trình, mỗi trung tâm trưng bày 01 đảo lớn vải thiều Lục Ngạn tại khu vực rau củ quả, trái cây. Tổ chức Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Trung tâm MM Mega Market An Phú, đồng thời, sẽ quảng bá về Tuần lễ vải thiều Bắc Giang lên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo; các kênh khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể lớn và khách hàng tiêu dùng lẻ trên toàn quốc”.

 

Ông Trần Quang Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel bày tỏ: “sẵn sàng chung tay góp sức cùng Quốc gia và bà con nông dân trên cả nước tiếp cận với công nghệ hiện đại, các kênh bán hàng hiệu quả, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để mang lại lợi ích kinh tế dài lâu”, “sẵn sàng trở thành điểm tựa vững chắc trong quá trình chuyển đổi số cùng bà con, hướng tới mục tiêu tìm đầu ra bền vững cho nông sản Việt”.

Ông Vũ Hồng Nam- Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu tại điểm cầu Tôkyô

Từ điểm cầu Tokyo, Nhật Bản, Ông Vũ Hồng Nam- Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản có bài tham luận, trong đó nhấn mạnh: “Quả vải thiều tươi của Việt Nam đã gây được tiếng vang sau một năm thâm nhập thị trường Nhật Bản. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản hồ hởi đón nhận”. “Quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, trong lời phát biểu kết thúc hội nghị,  nhấn mạnh: “Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi mục “tiêu kép” vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm cao, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các vị đại biểu, tin tưởng rằng, năm 2021 tiếp tục là một năm thành công của người dân trồng vải thiều, của doanh nghiệp, thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều”.

Khai trương Sàn Thương mại điện tử “Gian hàng Vải thiều tỉnh Bắc Giang”

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch được trên 150.000 tấn vải thiều, đạt gần 80% tổng sản lượng. Việc tiêu thụ vải thiều tại cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai vẫn tương đối thuận lợi. Sản lượng thu hoạch mỗi ngày hàng nghìn tấn nhưng vẫn đang được tiêu thụ thuận lợi cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Kết quả này minh chứng chứng cho những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh. Đây cũng là năm đầu tiên Bắc Giang đưa thành công quả vải thiều lên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Cuccu… Từ đây, thương hiệu vải thiều Bắc Giang được chắp cánh vươn xa, tiếp tục hành trình chinh phục những thị trường tiềm năng trên thế giới./.

                                                                                                    Vân Hồng