Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 15,740
Total visited in day: 5,741
Total visited in Week: 8,716
Total visited in month: 112,168
Total visited in year: 595,245
Total visited: 10,122,989

Chuyện khởi nghiệp ở “làng xuất ngoại”

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

Nhắc đến xã miền núi Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang), nhiều người nghĩ ngay đến những "làng xuất ngoại”, người người đi lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc). Giữa làn sóng xuất ngoại, một nhóm thanh niên đã chọn ở lại, lập nghiệp tại chính quê hương mình.  

Những người chọn ở lại 

Hẳn nhiều người từng nghe về "xã xuất ngoại" Tam Dị nổi lên với những dãy "phố Đài, phố Hàn hay phố Nhật" sầm uất chẳng kém một thị trấn nào. Nguồn kiều hối do thanh niên, người lao động xa xứ mang lại mỗi năm tính bằng tiền tỷ. Phía bên kia những con phố sáng đèn, xã Tam Dị còn có những thanh niên chọn ở lại quê hương để lập nghiệp. Dù xa xứ hay ở lại quê hương để lập nghiệp có lẽ chẳng bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ ai.

Anh Đinh Văn Quân (trái) và anh Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đoàn xã Tam Dị.

5 giờ sáng, không ai bảo ai, anh Mông Văn Tuấn (SN 1990), dân tộc Nùng, Bí thư Chi đoàn thôn Trại Trầm, Chủ nhiệm CLB Thanh niên kinh tế cùng người nhà vẫn cặm cụi thu gom và phân loại dứa, sắp xếp vào từng túi loại 1, loại 2. Những quả dứa to, nặng từ 8 lạng đến hơn 1 kg. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng thêm thời gian giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động giao thông, tiêu thụ bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi vậy, số dứa thu hoạch được anh Tuấn mang giao lẻ ở các chợ tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. 

Tốt nghiệp THPT rồi đi bộ đội, thời gian tham gia trong quân ngũ giúp anh Tuấn rèn ý chí vững vàng, không đầu hàng trước khó khăn. Năm 2013, anh Tuấn khởi nghiệp với hơn 4 ha rừng, 3 ha dứa cùng khoảng 2 nghìn con gà thương phẩm quay vòng tái đầu tư. Chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, áp dụng khoa học kỹ thuật, lứa gà thứ hai hòa vốn, sau dần có lãi. Mồ hôi nhễ nhại, anh Tuấn nói: “Việc gì cũng có hai mặt, đi xuất khẩu lao động thì có kinh tế nhanh hơn, được tiếp cận, sống ở môi trường hiện đại hơn song cũng có không ít   bất cập. Tôi chọn ở lại vì được sống cùng gia đình, có thời gian chăm sóc cha mẹ và khai thác thế mạnh ở địa phương. Con đường khởi nghiệp luôn khó khăn, vất vả, vì vậy làm gì, làm ở đâu cũng phải kiên trì”.

Ở thôn Trại Trầm, những thanh niên chọn ở lại giữa làn sóng xuất khẩu lao động hội lại với nhau thành nhóm. Họ thành lập CLB Thanh niên làm kinh tế với 13 thành viên, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về giống, vốn. Ngoài anh Tuấn, nhiều thanh niên khác cũng dựa vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để chọn hướng sản xuất. 

Ví như anh Hoàng Văn Long (SN 1988) dân tộc Nùng đầu tư nuôi gà an toàn. Anh Long vừa xuất bán 3 nghìn gà, thương phẩm. Anh Ngô Văn Dụ (SN 1986) cũng bán vài chục con lợn thịt và 2 nghìn gà anh Mã Văn Hiếu (SN 1990) có hơn 4 nghìn gà vừa giao cho khách, anh Mã Văn Khánh (SN 1991) hiện là chủ đại lý sơn tại địa phương… Và nhiều thanh niên khác cũng lập nghiệp ở quê, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng họ vẫn vững vàng với mục tiêu làm giàu chính đáng. 

Tìm hướng đi mới  

Gia sản lớn của vợ chồng anh Trần Văn Hiền (SN 1988) và chị Hoàng Thùy Linh (SN 1992) ở thôn Trại Trầm là hơn 1 nghìn giò lan các loại. Khoảng cuối năm 2018, được người bạn tặng mấy giò phong lan, anh Hiền chăm chút, tìm hiểu và mê mẩn lúc nào không hay. 

Nhận thấy nhiều loại phong lan có giá trị kinh tế, được nhiều người tìm mua nên anh quyết chí khởi nghiệp trồng lan. Trong lúc vừa nói chuyện với tôi, anh Hiền, chị Linh tỉ mỉ tách, ghép các nhành lan vào trụ lớn. Những ngày đầu, anh chị rất bỡ ngỡ bởi chưa nắm vững kỹ thuật, lan bị chết, hao hụt nhiều. 

Chị Hoàng Thùy Linh khởi nghiệp với mô hình trồng lan.

Thế nhưng vượt lên tất cả, vừa làm, anh vừa tìm hiểu đặc tính của từng loài để rút kinh nghiệm. Giờ đây anh đã nhân giống các loại lan quý như: Phi điệp, cẩm báo, đuôi cáo, hải yến. Trong khu vườn của gia đình anh có giò lan giá vài trăm nghìn đồng, có giò vài triệu đồng thậm chí vài chục triệu đồng. 

Cũng bắt đầu khởi nghiệp từ sở thích, anh Đinh Văn Quân (SN 1990) và anh Hoàng Văn Đại (SN 1994), dân tộc Nùng ở thôn Hòn Ngọc, xã Tam Dị đang cùng chung vốn nuôi hơn 2,6 nghìn con chim gáy giống Pháp, Nhật. Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng trại được đầu tư hiện đại, anh Quân nhớ lại: “Mới đầu, tôi chỉ nuôi vài đôi chim làm cảnh. Thấy nhiều người hỏi mua, tôi thử tìm hiểu rồi thấy cơ hội rộng mở đối với việc nuôi thương phẩm. Thế là tôi bỏ việc, không đi làm thuê mà dùng toàn bộ số tiền tích lũy được đầu tư hơn 100 đôi chim bố mẹ cùng với khu chuồng trại rộng khoảng 250 m2”. 

Chim gáy Pháp hay Nhật có nguồn gốc hoang dã, dễ nuôi. Chuồng trại cũng không cần cầu kỳ, người nuôi chỉ cần bỏ ra ít vốn để mua lưới sắt vây thành các ngăn nhỏ, mỗi ngăn nuôi một đôi, bên trong tạo ổ bằng rơm làm chỗ cho chim mẹ khi sinh sản. Thức ăn  là thóc, gạo và một phần nhỏ khoáng chất. Sức đề kháng của chim gáy rất tốt và ít bị bệnh. 

Việc khó nhất là ghép đôi cho chim gáy cũng như chăm sóc khi chúng đẻ trứng, ấp nở. Mới đây, hai ông chủ trẻ đã lắp đặt hệ thống dẫn nước uống tự động, mái che nắng, mưa thoáng khí. Thông thường, sau khi nuôi khoảng 7 tháng, chim gáy Nhật bắt đầu đẻ trứng, nếu được chăm sóc tốt thì chúng sinh sản gần như quanh năm. Hiện anh Quân, anh Đại có hơn 200 đôi chim sinh sản, từ khi đẻ trứng, chim gáy ấp 13 ngày và khoảng 45 ngày sau nở có thể xuất bán với giá từ khoảng 100 nghìn đồng/đôi chim thương phẩm. 

Làm ra làm

Xã Tam Dị hiện có 648 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Mang theo ước mơ thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương. Chọn ở lại quê hương, những thanh niên thôn Trại Trầm hay Hòn Ngọc cũng nuôi ước mơ làm giàu. “Thanh niên ở đây làm ra làm, chơi ra chơi. 

Anh Mông Văn Tuấn.

Một khi đã làm thì làm hết mình, chẳng ngại sớm khuya. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt do thanh niên làm chủ đều chú trọng đến yếu tố môi trường, chuồng trại bao giờ cũng ở xa khu dân cư, áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm”. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đoàn xã Tam Dị tự hào nói. 

Nhờ tập hợp nhau trong CLB Thanh niên làm kinh tế, nhiều người đã có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi dành cho thanh niên khởi nghiệp. Năm 2019, anh Tuấn được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp do Tỉnh đoàn quản lý. Anh Long, anh Hiếu, anh Dụ… tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm do Huyện đoàn, Tỉnh đoàn tổ chức. 

Thôn Trại Trầm có hơn 1,1 nghìn dân, hầu hết là dân tộc Nùng di cư từ các xã Cao Lâu, Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đến đây từ năm 1950. “Nhờ chăm chỉ nên vài năm trở lại đây, đời sống của người dân thôn Trại Trầm đã khấm khá hơn nhiều, trong đó nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 52% (năm 2015) đến nay còn 18%. Năm 2019, Ban quản lý thôn đã vận động người dân đóng góp hơn 1,3 tỷ đồng đối ứng để cứng hóa đường giao thông nông thôn. Tính đến nay, thôn có hơn 7 km đường bê tông”. Bà Dương Thị Nhói, Trưởng thôn phấn khởi kể.

Địa hình Trại Trầm rất phức tạp, diện tích đất nông nghiệp ít, đa phần là đất đồi, rừng, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Bởi vậy, con đường khởi nghiệp của thanh niên địa phương có lẽ còn lắm chông gai. Vậy nhưng tôi tin những thanh niên ở Trại Trầm, Hòn Ngọc bằng tinh thần đoàn kết, bầu nhiệt huyết, dám dấn thân của tuổi trẻ họ sẽ tiếp tục bám trụ và thổi luồng sinh khí mới vào vùng đất này.

          Theo Baobacgiang.com.vn