Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,684
Tổng số trong ngày: 8,837
Tổng số trong tuần: 29,602
Tổng số trong tháng: 51,930
Tổng số trong năm: 535,007
Tổng số truy cập: 10,062,751

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Mới đây, ngày 18/4, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chính phủ nước này vừa phê chuẩn cái gọi là thành phố Tam Sa lập hai huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 19/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, Nhà nước Đại Việt đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Thời chúa Nguyễn, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, là việc nhà nước lập ra đội Hoàng Sa và hoạt động thường xuyên, liên tục để quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo này. Về sau, Đội Hoàng Sa lập thêm và kiêm quản đội Bắc Hải, hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.

Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị, vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp... hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước.

Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là kho tư liệu vô giá, trong đó ghi lại nhiều bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo cố giáo sư Phan Huy Lê: “Trong Châu bản triều Nguyễn có một loại tài liệu có giá trị đặc biệt, đó là những tờ Châu bản liên quan đến chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Có 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Nội dung của các văn bản là triều Nguyễn đã sử dụng thủy quân kết hợp với đội Hoàng Sa hàng năm ra Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… Những hoạt động đó chứng tỏ nhà Nguyễn đã nắm quyền quản lý và thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này. Hơn thế nữa, đây là những văn bản mang tính quốc gia với Châu phê của Hoàng đế và dấu ấn của vương triều. Đó là những văn bản mang giá trị kép, vừa là tư liệu lịch sử, vừa là những bằng chứng pháp lý. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền lâu đời và liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó những Châu bản triều Nguyễn là những bằng chứng có giá trị lịch sử và pháp lý rất cao”.

Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 02/9/1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Pa-tơ-nốt 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngày 8/3/1949, Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại, tháng 4, Hoàng thân Bửu Lộc, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20/7/1954) được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất, trong đó quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thằng từ bờ biển ra ngoài khơi. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Tháng 4/1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa (VNCH), đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Phi-líp-pin tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ VNCH đã lên tiếng phản đối. Ngày 24/5 và ngày 8/6 năm 1956, VNCH ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa luôn luôn là một phần của Việt Nam và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam. Ngày 20/10/1956, bằng Sắc lệnh 143/VN, VNCH đã đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Ngày 13/7/1961, VNCH sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 13/7/1971, tại Hội nghị ASPEC Manila, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngày 6/9/1973, Tổng trưởng Nội vụ VNCH ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa- Vũng Tàu).

Ngày 01/02/1974, VNCH tăng cường lực lượng đóng giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình Trung Quốc tăng cường sức mạnh tiến hành xâm chiếm lãnh thổ mà theo nhận định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Trung cộng sẽ đánh Trường Sa và xâm chiếm bằng vũ lực giống như Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Mỹ".Ngày 02/7/1974, tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên Hợp quốc tại Caracas, đại biểu VNCH đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng. Ngày 14/02/1975, VNCH công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Nhà nước Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Lập trường này được thể hiện trong Tuyên bố 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố 1982 về đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Nhà nước ta cũng trở thành thành viên của hàng loạt điều ước quốc tế liên quan đến biển và đại dương, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012...

Nhận thức rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về biển, đảo. Với việc thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW (khóa X) ngày 9-2-2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, lần đầu tiên Đảng ta có một Chiến lược biển toàn diện, có tầm nhìn chiến lược rộng, tính bao quát cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế, môi trường. Đặc biệt, tại hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trở lại việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” tại “thành phố Tam Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai".

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong xây dựng và phát triển kinh tế, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu./.

Vân Hồng