Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 18,834
Total visited in day: 3,641
Total visited in Week: 6,616
Total visited in month: 110,068
Total visited in year: 593,145
Total visited: 10,120,889

Huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn được quan tâm. Ngoài hưởng chính sách chung, người nghèo trong tỉnh còn được hỗ trợ an cư, tạo sinh kế sản xuất... từ MTTQ và các tổ chức thành viên để vươn lên thoát nghèo. 

Đoàn kết giúp người nghèo

Phát huy truyền thống đoàn kết, từ nguồn quỹ vì người nghèo, MTTQ các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo cơ hội để người nghèo vươn lên. Trao đổi với ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh được biết: Ngoài tặng quà, hỗ trợ đột xuất, nguồn kinh phí này được đơn vị ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết. Có “an cư” thì người nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn mới có thể yên tâm “lạc nghiệp”. 

Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Thức, xã Bảo Đài (Lục Nam) được tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Hằng năm, dựa trên tình hình thực tế địa phương, MTTQ đều đưa ra mục tiêu vận động cụ thể. Năm 2019, MTTQ các cấp tỉnh và các tổ chức thành viên hỗ trợ 585 hộ nghèo xây mới nhà ở với tổng kinh phí vận động hơn 32 tỷ đồng, vượt 135 nhà so với đăng ký. Từ nền móng ban đầu của mặt trận với kinh phí hỗ trợ trung bình 20 triệu đồng/nhà, hầu hết những ngôi nhà đại đoàn kết đều có giá trị khoảng 100 triệu đồng/nhà với sự trợ giúp của người thân, làng xóm và cả cộng đồng.

Huyện Hiệp Hòa là một trong những địa phương có kết quả vận động xây nhà đại đoàn kết trong tốp đầu của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, huyện huy động các nguồn tài trợ giúp 208 hộ nghèo trên địa bàn xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, hằng năm, Ủy ban MTTQ huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát tình trạng nhà ở của các hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phân loại đối tượng để đề xuất biện pháp, mức hỗ trợ phù hợp. 

Với từng trường hợp, Ủy ban MTTQ các xã bầu và lập Ban xây dựng (thành viên là đại diện các đoàn thể, người dân trong thôn) có trách nhiệm quản lý, giám sát công trình cho tới khi hoàn thiện, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí. Không chỉ có kinh phí hỗ trợ của MTTQ các cấp, từ khi khởi công đến lúc hoàn thành, mỗi ngôi nhà đều có sự góp sức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương và nhiều nhà hảo tâm.

Đơn cử như mới đây, bà Tạ Thị Tiến (SN 1955), thôn Đồng Hòa, xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Chồng bà mất đã lâu, hai con gái lập gia đình, điều kiện kinh tế cũng không dư dả. Hiện bà sống một mình, lúc đau ốm chỉ trông vào hàng xóm. 

Biết hoàn cảnh của bà, Ủy ban MTTQ huyện Hiệp Hòa trích quỹ vì người nghèo trợ giúp 20 triệu đồng, Ủy ban MTTQ xã ủng hộ 5 triệu. Vậy là sau 3 tháng thi công, bà Tiến có ngôi nhà mới khang trang rộng hơn 40m2. Không chỉ giúp đỡ về tiền mặt mà người thân, láng giềng, mỗi người một tay giúp đỡ hàng trăm ngày công, vật liệu giúp công trình hoàn thành.

Chọn phương thức hỗ trợ phù hợp

Trên mặt trận giảm nghèo, các tổ chức chính trị, xã hội cũng triển khai những phong trào, hoạt động ý nghĩa, chung tay giúp đỡ người nghèo như: Liên đoàn Lao động tỉnh kêu gọi xây nhà "Mái ấm công đoàn", tặng vé xe cho công nhân nghèo về ăn Tết; đoàn thanh niên các cấp phối hợp tặng xe đạp, quần áo, sách vở cho học sinh nghèo vượt khó; Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân da cam/diôxin, Hội Người cao tuổi tổ chức khám, chữa bệnh, miễn phí... 

Đại diện chính quyền xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) trao kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho bà Tạ Thị Tiến.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh duy trì hiệu quả nguồn quỹ tiết kiệm xanh, ủy thác vốn vay, hỗ trợ sinh kế, giúp hội viên nghèo có việc làm, ổn định cuộc sống. Bám sát mục tiêu này, năm 2019, Hội LHPN tỉnh phát động phong trào “Mỗi chi hội phụ nữ giúp ít nhất một hộ; mỗi cơ sở xã, phường, thị trấn chung tay giúp ít nhất một hộ khó khăn do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững”. 

Kết quả, toàn tỉnh có hơn 1,5 nghìn hộ do phụ nữ làm chủ được các cấp hội giúp đỡ, trong đó có 624 hộ thoát nghèo. Cụ thể hóa phong trào trên, Hội LHPN huyện Tân Yên triển khai chương trình “Trao phương tiện sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo”. Các cơ sở hội phát động cán bộ, hội viên phụ nữ tiết kiệm từ mô hình "phân loại rác thải bán phế liệu", "nuôi heo đất" để tặng đồ dùng, phương tiện cần thiết.

 

Theo đánh giá của ngành lao động, thương binh và xã hội, giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kết quả nhanh và bền vững. Tỷ lệ tái nghèo dưới 0,6%; chỉ có 400 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,72%) do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản; số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội đều giảm mạnh; đặc biệt, toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng có công với cách mạng.

 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2019, toàn tỉnh còn hơn 23,2 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,05%; giảm hơn 9,8 nghìn hộ so với năm 2018. Như vậy, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh giảm hơn 9 nghìn hộ nghèo, tương đương 2,2%, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Tại 40 xã đặc biệt khó khăn còn hơn 10 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22,8% so với tổng số hộ dân của khu vực, giảm 9,28% so với năm 2018, vượt mục tiêu đề ra.

Được trợ giúp về nhiều mặt, người nghèo có cơ hội vươn lên. Người thiếu hụt về tiêu chí thu nhập thì được giúp vốn, tư liệu sản xuất, chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Còn người nghèo khó khăn trong tiếp cận dịch vụ xã hội, văn hóa, thông tin thì được nhận trợ giúp về BHYT, học nghề, học phí, phương tiện nghe nhìn...

Để hoàn thành mục tiêu kết thúc năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,53%, ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đơn vị chủ động phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế theo vùng miền; đổi mới cơ chế, phương thức hỗ trợ, chuyển từ “cho không” sang hỗ trợ một phần, có đối ứng, khuyến khích người dân xây dựng mô hình kinh tế, tự thoát nghèo. 

Huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo theo địa chỉ; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân nhất là vùng khó khăn, nông thôn.

Theo Baobacgiang.com.vn