Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,453
Tổng số trong ngày: 3,556
Tổng số trong tuần: 22,953
Tổng số trong tháng: 8,924
Tổng số trong năm: 492,001
Tổng số truy cập: 10,019,745

Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế - Tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024) là sự kiện văn hóa-xã hội quan trọng của tỉnh Bắc Giang, nhằm tri ân các vị thủ lĩnh cùng tinh thần bất diệt của nghĩa quân Yên Thế, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của đất nước và hòa bình cho Nhân dân.

Lễ Khai mạc được tổ chức trang trọng và hào hùng

Sáng 16/3/2024 tại khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 2024).

Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội

Dự Lễ hội, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Trung tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Đại biểu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng và Bắc Kạn; các huyện, thành phố, thị xã kết nghĩa với huyện Yên Thế và đông đảo Nhân dân, du khách.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trình bày diễn văn khai mạc lễ hội ôn lại cuộc khởi nghĩa Yên Thế và khẳng định vai trò, tầm vóc, ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa đối với lịch sử dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh: khởi nghĩa Yên Thế được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá "là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống thực dân Pháp trước khi có Đảng". Cuộc khởi nghĩa là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của người nông dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến tranh du kích, chiến tranh Nhân dân, lập làng chiến đấu, vừa đánh vừa đàm. Trong khói lửa của cuộc khởi nghĩa, Hoàng Hoa Thám đã thể hiện phẩm chất của một thiên tài quân sự.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đọc diễn văn khai mạc

Bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã khắc sâu trong lịch sử và tâm trí của nhiều thế hệ người dân Bắc Giang và Việt Nam, trở thành bản hùng ca bất diệt của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Tên tuổi của Hoàng Hoa Thám và nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân Yên Thế đã được Nhà nước và Nhân dân tôn vinh, ghi danh muôn đời như ghi vào sử sách, đặt tên đường phố, công viên, quảng trường, trường học của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành cảm hứng cho các sáng tác văn chương, nghệ thuật.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh trống khai hội

Phát biểu tại lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất, oanh liệt nhất. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã để lại một trang sử hào hùng về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Khởi nghĩa Yên Thế, bản hùng ca bất tử

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, với vị trí địa lý chiến lược vùng đệm “phên dậu” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ buổi đầu dựng nước, Bắc Giang là nơi diễn ra chiến sự ác liệt chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược; từ đó đã hun đúc lên truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất, sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống thực dân Pháp như: cuộc khởi nghĩa của Cai Biều (1884 - 1891) ở Bảo Lộc (Lạng Giang); cuộc khởi nghĩa của Lưu Kỳ và Hoàng Thái Nhân (1884 - 1894) ở Lục Ngạn... Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, do Đề Nắm và Đề Thám  đứng lên lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

“Ba mươi năm khắp núi rừng

Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại buổi lễ

Theo sử sách ghi lại, hoạt động của nghĩa quân Yên thế chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn từ 1884-1892: Thủ lĩnh Đề Nắm đã lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế đẩy lui nhiều trận càn quét của quân Pháp vào khu vực Cao Thượng, Hố Chuối. Đến năm 1891, nghĩa quân làm chủ một vùng rộng lớn và mở rộng hoạt động sang Phủ Lạng Thương (vùng thành phố Bắc Giang ngày nay).

Trước những đợt tấn công, càn quét mới của giặc, nghĩa quân phải rút dần lên vùng Bắc Yên Thế để xây dựng, củng cố hệ thống công sự phòng thủ. Tháng 3/1892, Pháp huy động khoảng 2.200 quân, gồm nhiều binh chủng ồ ạt tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng, nhiều người bị địch bắt và giết hại, một số phải ra hàng. Đề Nắm bị sát hại vào tháng 4/1892.

Mùa xuân năm 1886, tướng Đề Nắm tổ chức việc xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh tại khu rừng Hữu Thượng, trong một vùng thấp trũng được phủ kín cây cối, bạt ngàn chuối dại, nằm sát suối Gồ (hay còn gọi là ngòi Sặt) để xây dựng đồn chính mang tên là đồn Hố Chuối. Để có đất đắp đồn, Đề Nắm đã cho san bạt một quả gò và hạ nền đồn chìm hẳn xuống để hạn chế bớt tầm cao của đồn, tránh các luồng đạn của pháo binh. Theo tính toán của một số sỹ quan công binh Pháp, muốn xây dựng đồn Hố Chuối, nghĩa quân phải huy động khoảng 2 vạn ngày công, nghĩa là đều đặn mỗi ngày có tới 100 người làm thì cũng phải làm trong hàng năm trời. Đồn Hố Chuối thực sự trở thành nỗi sợ hãi của chính quyền Pháp. Chúng hạ quyết tâm đánh đồn. Nhưng Đề Thám đã tính toán rất khoa học, thể hiện một trí óc và tài năng quân sự rất phi thường. Ông đã cho rải trên nền đồn một lớp cát mịn, dày hàng thước. Cách làm này đã hạn chế hiệu quả của đạn pháo giặc và làm giảm rất nhiều sức công phá của nó.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ Hoàng Hoa Thám

Giai đoạn từ 1892-1897: Sau khi Đề Nắm qua đời, Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) tập hợp những toán nghĩa binh còn sót lại, mở rộng địa bàn hoạt động. Sáng 19/12/1892, Đề Thám tập hợp một lực lượng gồm 400 quân tại đình làng Đông, xã Quỳnh Đông (nay là thị trấn Bích Động, thị xã Việt Yên), tổ chức lễ tế cờ, chính thức trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa.

Trong bối cảnh phong trào kháng chiến cả nước bị đàn áp dữ dội, nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại, Đề Thám phải tìm cách giảng hòa với Pháp để có thời gian củng cố lực lượng. Tháng 10/1894, theo thỏa thuận giữa hai bên, quân Pháp phải rút khỏi Yên Thế, Đề Thám được cai quản 4 tổng: Yên Lễ, Mục Sơn, Nhã Nam, Hữu Thượng. Nhưng cuộc hòa hoãn kéo dài chưa được bao lâu thì Pháp đã bội ước, lại tổ chức tấn công (tháng 11/1895). Nghĩa quân phải chia nhỏ ra từng toán, trà trộn vào dân để hoạt động.

Nhằm bảo toàn lực lượng, đồng thời biết được ý đồ của Pháp đang muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa, Đề Thám xin giảng hòa lần thứ hai (tháng 12/1897). Bề ngoài, Đề Thám tỏ ra phục tùng, nhưng bên trong thì ngầm chuẩn bị lực lượng chống Pháp.

Giai đoạn 1897-1908: Tranh thủ thời gian hòa hoãn kéo dài, Đề Thám cho nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tích cực luyện tập quân sự tại đồn điền Phồn Xương. Đội quân của ông tuy không đông nhưng rất tinh nhuệ, thiện chiến. Căn cứ Yên Thế trở thành nơi tụ hội của những nghĩa sĩ yêu nước từ khắp nơi kéo về (từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương…).

Giai đoạn từ 1909-1913: Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội năm 1908, thực dân Pháp quyết định mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt bằng được phong trào nông dân Yên Thế. Nghĩa quân trải qua những tháng ngày gian khổ, phải di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác. Nhiều thủ lĩnh đã hi sinh, một số phải ra hàng. Tháng 2/1913, Đề Thám bị sát hại, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đi dần vào thoái trào.

 

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế là một phong trào đấu tranh võ trang chống lại sự xâm lược của Thực dân Pháp với mục đích bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước đã nhanh chóng chuyển hoá thành phong trào giải phóng dân tộc được đông đảo nhân dân lao động hưởng ứng nhằm đánh đổ ách thống trị của bè lũ cướp nước và tay sai. Nó được bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần thượng võ, sự gắn bó sâu sắc với truyền thống lịch sử và phong tục tập quán của cha ông không biết cúi mình khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Khởi nghĩa Yên Thế và vị lãnh tụ áo nâu Đề Thám đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Màn khai từ tại Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế

Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã ca ngợi vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám thông qua bài thơ “Khóc chân tướng quân” (lưu tại Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế) với những câu thơ hào sảng: “Giống sài lang chật đầy đất nước/ Chỉ mình tướng quân, chống lại quân thù/ Hai mươi năm giữ khí thiêng đất nước/ Thày trò cùng nhau đánh hơn trăm trận/ Thế nước có lắng xuống mà tướng quân vẫn nổi lên/ Đầu tướng quân chưa đứt, quân giặc còn kinh hoàng/ Khí phách anh hùng còn hiện ra đến cùng/ Ở xa ngàn dặm còn nghe tiếng hổ gầm”.

Những thủ lĩnh như Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám chính là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, là sức mạnh tiềm tàng của tinh thần đoàn kết, nơi lòng dân đồng thuận, một niềm hướng về vị thủ lĩnh áo nâu, hướng về mặt trời chính nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã trở nên bất diệt trong lòng dân tộc và bạn bè khắp năm châu, bồi đắp cho chúng ta lòng tự hào về quê hương anh hùng Hoàng Hoa Thám./.

Vân Hồng