Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 22,786
Total visited in day: 317
Total visited in Week: 3,292
Total visited in month: 106,744
Total visited in year: 589,821
Total visited: 10,117,565

Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản - đôi điều trăn trở

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

 

        Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập dựa trên chức năng, nhiệm vụ do Sở Bưu chính, Viễn thông thực hiện và tiếp nhận thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa -Thông tin (tên sở trước khi sát nhập) sang.

 

        Có thể nói, đây là một Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, từ báo chí, xuất bản đến bưu chính, chuyển phát; viễn thông, internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh, truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông; quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm…Tôi và một số đồng nghiệp được điều động từ Sở Văn hóa-Thông tin  sang để làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản. Sau hơn 02 năm hoạt động có thể ghi nhận:

Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản được tăng cường

       Ở đây không có hàm ý so sánh giữa công tác quản lý nhà nước ở Sở này hơn hay kém Sở kia, vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng, vả lại cái thước để đo sự hơn, kém trong quản nhà nước cũng khó; tôi chỉ muốn nói một vài vấn đề về lĩnh vực được tăng cường sau khi thành lập Sở.

       Trước hết là bộ máy quản lý nhà nước được tăng cường. Điều này thì khá rõ; bỡi vẫn những con người này khi còn ở Sở Văn hóa -Thông tin, công việc lút đầu, bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, còn bao nhiêu việc như: thông tin cổ động, triễn lãm, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thanh tra, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vv… nay sang đây chỉ có quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; đã thế lại được tăng cường thêm một đồng nghiệp là dân báo chí đã từng làm quản lý ở một cơ quan báo chí sang.

                                           (Hội nghị giao ban báo chí quý 1/2010)

        Thứ hai là công tác phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí ngày càng chặt chẽ nên hoạt động hiệu quả hơn. Theo quy định thì Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy là cơ quan chỉ đạo báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý, Hội Nhà báo tỉnh là cơ quan phối hợp. Nhưng vấn đề phối hợp trong chỉ đạo và quản lý thế nào cho đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả, thiết thực là vấn đề cần bàn? Đã có thời gian, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì giao ban báo chí, và cũng có thời gian Sở Văn hóa -Thông tin chủ trì giao ban báo chí; nhưng từ khi có Quyết định số 155-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì việc này được phân định rõ ràng. Trên cơ sở Quyết định 155, Sở Thông tin và Truyền thông đã cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh ký kết Quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo và quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quy chế này, mỗi quý giao ban một lần do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì. Tại giao ban, ngoài báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có báo cáo đánh giá, nhận xét công tác thông tin, tuyên truyền; nhận xét, định hướng về chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin của báo chí; lưu ý những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong thông tin tuyên truyền; Hội Nhà báo có phát biểu ý kiến về công tác phối hợp quản lý báo chí và một số hoạt động nổi bật của hội, về giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội viên…nên chất lượng các cuộc giao ban báo chí được nâng lên. Bên cạnh đó, hàng tháng Sở Thông tin và Truyền thông có thông báo bằng văn bản tình hình hoạt động báo chí trong tháng và định hướng thông tin trên báo chí tháng sau; hàng ngày có tổng hợp dưới dạng lược thuật các báo Trung ương viết về Bắc Giang gửi các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh.

        Thứ ba là Sở đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản về quản lý nhà nước như: định hướng quy hoạch phát triển báo in đến năm 2020; Quy định về người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quy định chế độ nhuận bút trang thông tin điện tử và bản tin trong các cơ quan nhà nước. Tham mưu với UBND tỉnh tổng kết 8 năm thi hành Luật báo chí…Những việc làm này đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh.

       Quản lý nhà nước về xuất bản cũng được tăng cường. Sở đã hướng dẫn và phát hành các biểu mẫu đăng ký, cấp phép về xuất bản, đăng tải các thủ tục hành chính và các mẫu hồ sơ trên Trang thông tin điện tử của Sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức xin phép xuất bản được cấp phép đúng và trước thời hạn quy định. Mỗi năm có trên 100 giấy phép được cấp từ Sở nhưng không có sai phạm phải điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép và cũng không thấy ai kêu ca phàn nàn về các thủ tục hành chính, về nhân viên gây phiền hà khi cấp phép. Định kỳ hàng năm Sở tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xuất bản qua đó chấn chỉnh các sai phạm về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.

        Vừa qua, nhân dịp sơ kết 02 năm về công tác quản lý báo chí, Bắc Giang cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen. Như vậy, lẽ ra có thể tạm bằng lòng với những gì làm được từ khi Sở Thông tin và Truyền thông ra đời.

        Nhưng còn đôi điều băn khoăn, trăn trở ?

        Trăn trở là lẽ thường tình, người nông dân cấy lúa cũng trăn trở tìm các biện pháp thâm canh để cho lúa tốt hơn, cho hiệu quả sản xuất của mình cao hơn; do đó người làm quản lý cũng trăn trở khi thực hiện nhiệm vụ quản lý. Cái trăn trở ở đây là làm thế nào để đưa vị thế của Sở từng bước được nâng lên, trong đó có quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản cũng ngày càng được nâng lên. Phải bàn về vị thế của Sở vì trước đây không có Sở này, nay mới có nên nhiều người chưa biết đến, đã thành lập được mấy năm nhưng đi dự một số hội nghị vẫn bị giới thiệu sai tên Sở. Hệ thống dọc của Sở là Phòng Văn hóa- Thông tin nhưng chủ yếu là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao; mỗi huyện có 1-2 cán bộ theo dõi lĩnh vực thông tin và truyền thông lại chưa am hiểu việc, nên rất khó khăn, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn huyện còn hạn chế.

        Báo chí ở Bắc Giang không nhiều, cả tỉnh chỉ có 3 cơ quan báo chí là Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Giang, Tạp chí Sông Thương (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật) và một số đại diện thường trú báo Trung ương như: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tiền phong. Thời gian qua các cơ quan báo chí luôn bám sát tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí để tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí nên không có sai phạm. Trong hoàn cảnh ấy, Sở Thông tin và Truyền thông đã vươn ra phối hợp hướng dẫn, định hướng tuyên truyền tới Đài Truyền thanh các huyện, thành phố. Nhưng có ý kiến cho rằng Đài Truyền thanh huyện là đơn vị sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, không phải cơ quan báo chí; ngoài sự chỉ đạo và quản lý toàn diện của UBND huyện thì đài huyện còn chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của Đài Phát thanh -Truyền hình, công tác quản lý nhà nước của Sở còn rất nhiều vấn đề đặt ra.Thế mới là vấn đề trăn trở ?

        Về xuất bản, theo chức năng, nhiệm vụ và các quy định của Luật Xuất bản thì Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan cấp, thu hồi một số loại giấy phép: xuất bản bản tin, xuất bản tài liệu không kinh doanh, giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài, giấy phép triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm vv…Tóm lại về xuất bản có khá nhiều việc, thực ra có việc tốn rất nhiều thời gian như đọc xuất bản phẩm lưu chiểu do địa phương cấp phép. Cái trăn trở ở đây là vấn đề thẩm quyền quản lý và cấp phép xuất bản.

        Hiện nay tỉnh nhà chưa có Nhà xuất bản nên nhiều cơ quan, tổ chức muốn xuất bản tài liệu không thuộc đối tượng trên vẫn liên hệ và đề nghị được cấp phép xuất bản. Ví như mấy ông cán bộ xã, phường, thị trấn muốn xuất bản cuốn “Lịch sử đảng bộ địa phương” để tuyên truyền và giáo dục truyền thống quê hương mà bắt ra tận Hà Nội để tìm Nhà xuất bản rồi xin phép xuất bản thì quả là rất khó khăn, trong khi đó Sở không có thẩm quyền cấp phép, hoặc mỗi năm Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh có vài ấn phẩm văn nghệ tỉnh nhà đã được Hội thẩm định nội dung muốn xin phép xuất bản tại địa phương cũng không được vv…Tóm lại có nhiều tài liệu của địa phương muốn xin phép xuất bản nhưng Sở đành bó tay. Nguyên nhân là do không được phân cấp vì Sở không có người thẩm định các tác phẩm nói trên? Thế mới trăn trở chứ. Cái trăn trở là vì Phòng báo chí- Xuất bản của Sở có đến 03 cử nhân văn chương, họ đều tốt nghiệp đại học chính quy ở trường đại học Quốc gia Hà Nội, có người đã vài chục năm công tác, am hiểu về xuất bản nhưng không có thẩm quyền để thẩm định các tài liệu trên vì Nhà nước không phân cấp cho Sở. Thành ra xung quanh chuyện cấp phép đôi khi rất khó xử. Cứ cấp thì sai thẩm quyền và vi phạm Luật; không cấp thì băn khoăn quá. Một số cơ quan cứ đưa bản thảo đề nghị đọc xem có vi phạm gì không? Anh em trong cơ quan đã thay nhau đọc thì thấy nội dung tốt không phát hiện điều gì trái với quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước nhưng vấn đề là thẩm quyền? Họ đành lặng lẽ ra về với dáng vẻ không vui. Lãnh đạo Sở đã làm văn bản xin ý kiến Cục Xuất bản về đề nghị cấp phép một số trường hợp cụ thể, nhưng đã là sách, là tác phẩm văn học thì không được, phải đem ra Cục Xuất bản hoặc Nhà Xuất bản. Lại càng trăn trở vì không giúp được địa phương?

        Bước đầu giải nỗi băn khoăn

        Khi Bộ Thông tin và Truyền thông mới thành lập, lúc đó tôi vẫn ở bên Sở Văn hóa -Thông tin nhưng có may mắn được dự Hội nghị tổng kết năm 2007 của ngành; tại hội nghị này Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp có nói: “Chúng ta làm quản lý là quản phải có lý …” Nhớ lại điều này, trong khi chờ sự thay đổi về nhận thức, về cơ chế quản lý và phân cấp trong quản lý; tôi ra Cục Xuất bản đề xuất “ cái lý ” về phân cấp để cấp phép xuất bản cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn rằng: viết lịch sử là ghi chép lại các sự kiện lịch sử của địa phương trong một giai đoạn nhất định; vậy làm thế nào để cán bộ thẩm định của Cục Xuất bản hay Nhà Xuất bản biết nội dung trong cuốn lịch sử đó đúng hay sai. Rõ ràng việc thẩm định này phải là địa phương mới sát với tình hình thực tế và nên phân cấp cho địa phương thẩm định, cấp phép. Cuối cùng thì cũng được Cục Xuất bản đồng ý bằng văn bản để Sở Thông tin và Truyền thông vận dụng cấp phép cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn và Sở đã đề nghị Ban Tuyên giáo Huyện ủy các huyện, thành phố tham gia thẩm định nội dung trước khi chuyển hồ sơ về Sở xin cấp phép.

        Khi tôi chuẩn bị nộp bài này cho Ban biên tập thì cũng là lúc nhận được Thông tư liên tịch giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh-Truyền hình thuộc UBND cấp tỉnh và Đài Truyền thanh-Truyền hình (THTH) thuộc UBND cấp huyện; theo đó Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện quản lý nhà nước đối với Đài THTH cấp huyện. Cùng với Thông tư liên Bộ nói trên là dự thảo Thông tư của Bộ TT&TT hướng dẫn quy định về việc xuất bản tài liệu không kinh doanh. Có lẽ những trăn trở trên sẽ phần nào vợi đi !

                                                                                               Lã Duy Khiêm