Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,891
Tổng số trong ngày: 2,539
Tổng số trong tuần: 35,338
Tổng số trong tháng: 57,666
Tổng số trong năm: 540,743
Tổng số truy cập: 10,068,487

Tăng cường thông tin chính thống tuyên truyền về chính sách dân số và phát triển

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đề ra đó là “đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển”.


Thông tin sai lệch, vi phạm trên mạng xã hội cần được chấn chỉnh
Thời gian vừa qua trên mạng xã hội tràn lan thông tin liên quan đến công tác dân số, như: “Hướng dẫn sinh con trai theo ý muốn”; “Phương pháp hỗ trợ sinh con trai theo ý muốn hiệu quả”; “Dịch vụ sinh con theo ý muốn của các cặp vợ chồng”; “5 bí quyết sinh con trai theo ý muốn”; “8 bí quyết để sinh con trai bạn cần nằm lòng”; “Hội những người muốn sinh con trai năm 2000 (Canh Tý)”; “Tổng hợp 5 cách tính sinh con trai chính xác nhất”… Bên cạnh đó là các loại sản phẩm được quảng cáo là giúp mang thai theo ý muốn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Thực tế, đã có không ít trường hợp nhẹ dạ cả tin vào những thông tin trên mạng dẫn đến tiền mất tật mang, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Ngoài những thông liên quan đến việc lựa chọn sinh con trai, con gái theo ý muốn, còn có những thông tin cắt ghép, bịa đặt về chính sách dân số của Nhà nước ta, như thông tin “Đẻ con thứ 4 được thưởng 200 triệu ở Việt Nam”…
Những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội về chính sách dân số cần được chấn chỉnh, xử lý. Đối với mỗi người dân cần trang bị kiến thức cho mình khi tham gia mạng xã hội, không vội vã chia sẻ thông tin sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và cộng đồng.

Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội.

Theo quy định tại điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều thi hành Pháp lệnh dân số, có nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm các hành vi sau: (1) Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi. (2) Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm. (3) Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
Theo điều 98 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi, hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi sẽ áp dụng hình thức phạt tiền, tùy từng hành vi, mà mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng. Đồng thời, những hành vi ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn (kể cả dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần) cũng là hành vi vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi theo điều 99 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Hoặc hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng theo điều 100 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.


Tăng cường nguồn thông tin chính thống 
Những năm qua, Bắc Giang tập trung tuyên truyền về công tác dân số với việc phổ biến các văn bản quan trọng như: Pháp lệnh Dân số ngày 09/01/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định chi tiết một số điều thi hành Pháp lệnh Dân số; Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới; Thông báo kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ mới"; Kế hoạch số 1668/KH-UBND ngày 16/06/2016 của UBND tỉnh Bắc Giang về thực hiện Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới (giai đoạn 2016-2020) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế…
Năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế (Chi cục Dân số) thanh tra đột xuất Website đăng thông tin vi phạm pháp luật về dân số theo chỉ đạo của Tổng Cục Dân số (Website: Cong ty TNHH Dược phẩm & Vaccin Ngọc Anh với tên miền: http://ngocanhpharma.com). Công ty này có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố Bắc Giang. Đoàn Thanh tra cũng đề xuất tiêu hủy 48 cuốn “Cẩm mang sinh con trai” còn lưu kho của Công ty.
Nhiều cơ quan, sở, ngành cũng tập trung tuyên truyền thông qua biên soạn và phát hành tài liệu về công tác dân số để chuyển tải đến người dân. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bắc Giang in và phát hành gần 2000 bản “Tài liệu truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch in và phát hành 5.660 Tờ rơi tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa văn minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; 25.700 bản “Tài liệu giáo dục đời sống gia đình”. Sở Tư pháp in và phát hành 25.000 bản tài liệu: “Tìm hiểu một số quy định về đăng ký kết hôn”. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang in và phát hành 5.500 bản tài liệu: “Một số kỹ năng đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang in và phát hành 7.800 bản tài liệu: “Bản tin bảo vệ quyền trẻ em”…
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. “Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân”.

Mục tiêu của Nghị quyết đặt ra: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%; 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc”…
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đề ra đó là “đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển”. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác dân số, chấn chỉnh việc đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, đồng thời tăng cường hơn nữa nguồn thông tin chính thống về chính sách dân số và phát triển để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân là thực sự cần thiết./.


Vân Hồng