Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 15,322
Total visited in day: 8,248
Total visited in Week: 11,223
Total visited in month: 114,675
Total visited in year: 597,752
Total visited: 10,125,496

Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”. Cũng tại diễn đàn này, Triển lãm số, gian hàng số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” đã được nhấn nút khai trương nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu vải và các sản phẩm được chế biến từ vải ra các thị trường quốc tế mới, thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài ưu tiên dùng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.

Khẳng định thương hiệu Vải thiều Việt Nam

Vải thiều là loại quả nhiệt đới được người dân Việt Nam và khách quốc tế ưa thích. Sản phẩm vải thiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Thương hiệu trái vải thiều Việt Nam đã được khẳng định thông qua hành trình chinh phục ngày càng nhiều các thị trường khó tính.

Bắc Giang đưc biết đến là “Thủ phủ vải thiều” của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, khoảng 28.000 nghìn ha. Vải thiều  Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 08 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Những năm gần đây Bắc Giang chú trọng mở rộng diện tích sản xuất vải thiều chất lượng cao; lấy chất lượng quả vải làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững; do đó tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo có chất lượng vượt trội, sạch và an toàn thực phẩm, phục vụ tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có diện tích vải sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.400 ha (chiếm 54% tổng diện tích trồng vải của tỉnh), sản lượng đạt khoảng 125.000 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 102 ha, sản lượng trên 1.000 tấn, trong đó duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha với sản lượng khoảng 1.600 tấn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU và các thị trường tiềm năng khác; 35 mã vùng trồng, diện tích 269,45 ha với sản lượng khoảng 2.000 tấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; 149 mã số vùng trồng, diện tích 15.867 ha với sản lượng khoảng 95.000 tấn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt; với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước và đến nay có thể khẳng định: Chất lượng Vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay; với các đặc trưng riêng có Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày”, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan thế Tuấn tại Diễn đàn

Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua, thì những năm gần đây Bắc Giang tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu vải thiều vào các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore...; mở rộng thị trường xuất khẩu khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Cùng với Bắc Giang, Hải Dương là tỉnh có diện tích trồng vải lớn thứ hai cả nước với khoảng 9.000 ha, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn. Trong tham luận tại Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Toàn bộ diện tích vải đều được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có gần 5.000 tấn đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Trong đó, vải thiều Thanh Hà, đặc sản của tỉnh Hải Dương năm nay có mẫu mã, chất lượng tốt hơn những năm trước. Đồng thời, vải thiều đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Pháp... ”. 

 Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”

"Vải thiều là niềm tự hào của Việt Nam"

Tại Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”, Đại sứ Palestine, ông Saadi Salama nhận xét Việt Nam cần đưa niềm tự hào vải thiều đến nhiều nơi hơn nữa như Trung Đông, và quan tâm đến thị trường Halal. Ông nói: “vải thiều là một loại trái cây dần thành trở thành niềm tự hào của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung”. Ông gửi lời chúc mừng Việt Nam đã có loại trái cây mang đi khắp thế giới. "Tôi cũng tự hào khi quả vải Việt Nam đã xuất hiện trên thị Palestine với 2 loại vải tươi và vải đóng hộp (chế biến) và mong rằng quả vải Việt Nam không chỉ xuất hiện ở Trung Đông mà còn hướng đến thị trường châu Âu như Paris... ".

Bên cạnh đó, vị Đại sứ Palestine lưu ý thêm, một điều có thể thấy trên các cửa hàng ở Trung Đông là đều có chữ Halal (Chứng nhận xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và hội đủ điều kiện trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu Tiêu chuẩn Halal). "Hôm nay tôi đi tham quan các gian hàng vải Việt Nam và thấy bao bì tốt, trưng bày tuyệt vời, nhưng có điều là không thấy hộp nào có chữ Halal. Tất nhiên điều này có thể cần cả lộ trình và tôi hy vọng sẽ sớm thấy điều đó. Thị trường Trung Đông rất khả quan và đầy tiềm năng để quả vải Việt Nam có mặt ở đó", ông nói. Ông cũng cho biết: đã sống ở Việt Nam gần 10 năm và nhận thấy quả vải Việt Nam đã có nhiều thay đổi về chất lượng và số lượng, điều đó có những thuận lợi và thử thách. Thử thách là trong thời gian ngắn 2 tháng có thể xuất khẩu sản phẩm đi khắp nơi trên thế giới trong điều kiện phải tươi. Vì vậy, theo ông, các cơ quan cần có sự chuẩn bị từ trước với đối tác, doanh nhân nước ngoài để có hợp đồng mua vải trước khi tới mùa để thuận lợi trong khâu vận chuyển tới các nước trên thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hợp tác xã trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu vải đã có phiên tọa đàm chủ đề "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam". Tại đây các đại biểu đã thảo luận về quy trình trồng trọt và chăm sóc vải thiều ngon, sạch, an toàn; giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là khai thác, mở rộng những thị trường tiềm năng (thị trường trong nước; thị trường Pháp, Séc, Thái Lan…); đồng thời bàn luận về biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong khâu hậu cần logictic: chế biến, bảo quản, vận chuyển… để không ngừng nâng cao giá trị vải thiều.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày vải thiều Lục Ngạn

Tại Diễn đàn, triển lãm số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” đã được các đại biểu nhấn nút khai trương trên địa chỉ: https://vaithieuexpo.vnexpess.net/ để giới thiệu tới các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thương mại, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cùng các nhà báo, phóng viên trong nước và quốc tế về sản phẩm vải thiều nói riêng và một số sản phẩm nông sản khác nói chung. Diễn đàn đã cho thấy tinh thần đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay nâng cao giá trị nông sản, lan tỏa thương hiệu trái vải thiều ra thế giới.

Gian hàng số trên địa chỉ https://vaithieuexpo.vnexpess.net/

Thời điểm này, Bắc Giang đang bước vào những ngày chính vụ thu hoạch vải thiều năm 2022 cùng sự chủ động, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương với phương châm: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ Vải thiều chất lượng cao, vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Cùng với gian hàng vải thiều tỉnh Bắc Giang đã được khai trương tháng 6 năm 2021 trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Alibaba.com, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Lazada.vn, Shopee.vn, Tiki.vn, giờ đây khách hàng có thêm một kênh mới nữa để trực tiếp đặt mua và thưởng thức những trái vải thiều Việt Nam ngon ngọt tuyệt vời, đậm đà hương vị quê hương./.

Vân Hồng