Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,330
Tổng số trong ngày: 247
Tổng số trong tuần: 33,046
Tổng số trong tháng: 55,374
Tổng số trong năm: 538,451
Tổng số truy cập: 10,066,195

Việt Yên: Chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thu hút  đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN) nên số người có việc làm tại chỗ tăng, thu nhập được cải thiện.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Hiện nay trên địa bàn huyện Việt Yên có 1.278 DN đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đồng ý chủ trương 8 dự án, tổng vốn đăng ký 186 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019; thành lập mới 19 DN. Các dự án đầu tư khi đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, giảm nghèo của địa phương. 

Ở tuổi trung niên nhưng chị Nguyễn Thị Hợp vẫn được Công ty TNHH Điện tử Mimi Teck nhận vào làm việc.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Việt Yên, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 1.542 người. Tổng số lao động thời điểm hiện tại trên địa bàn hơn 110,6 nghìn người, trong đó ngoài KCN 15,4 nghìn người (chủ yếu là người địa phương), còn lại là lao động ở trong các KCN. Thu nhập bình quân lao động đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,8%.

Kết quả này có được là do huyện xây dựng và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, phát triển DN. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị hiện đại; bố trí cán bộ có năng lực phù hợp trực tại bộ phận một cửa các cấp. Thường xuyên rà soát TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư. 

Năm 2019, huyện Việt Yên còn 1.370 hộ nghèo, chiếm 2,88%, giảm 1,25% so với năm 2018.

Thực hiện nghiêm quy trình thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh… Hằng năm, lãnh đạo huyện tổ chức gặp mặt, đối thoại với DN để kịp thời trao đổi những vấn đề phát sinh, xây dựng mối quan hệ hỗ trợ giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN, nhà đầu tư. Trên cơ sở chức năng và những phản ánh của DN, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ngành để kịp thời tháo gỡ.

Với phương châm xuyên suốt, thu hút đầu tư, tạo việc làm là nhiệm vụ chung nên mỗi ngành, hội, đoàn thể có những cách làm riêng. Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu các địa chỉ tuyển dụng cho hội viên; Ủy ban MTTQ và tổ chức thành viên vận động bà con đồng tình ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư sớm khởi công dự án...

Tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

Sự phát triển của DN đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.Thành lập cuối năm 2019 lại gặp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Công ty TNHH May Nhật Mỹ, xã Hương Mai của chị Trần Thị Hương Hảo đã tạo điều kiện cho hơn 40 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.Công ty phối hợp với Hội LHPN xã tuyên truyền để thu hút lao động. 

Thấy công việc phù hợp với sức khỏe, thu nhập cũng ổn định lại được làm gần nhà nên nhiều người đăng ký vào làm. Từ công việc này, lao động tại đây có nguồn thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Bích, công nhân tổ may nói: “Trước tôi làm ở KCN Quang Châu. Xa nhà, lại thường xuyên tăng ca, không có thời gian chăm sóc con nhỏ nên khi Công ty TNHH May Nhật Mỹ tuyển dụng, tôi quyết định về đây xin việc”.

Với những phụ nữ trung niên ở Việt Yên khi ruộng đồng không còn nhiều, các nhà máy ở khu công nghiệp đa phần tuyển dụng lao động trẻ tuổi thì những công việc phụ trợ như: Dọn vệ sinh, tạp vụ,... là rất phù hợp. Chị Nguyễn Thị Hợp (SN 1970), công nhân Công ty TNHH Điện tử Mimi Teck, địa chỉ thôn Hà, xã Việt Tiến cho biết: “Hoàn cảnh gia đình neo người trong khi đã trung tuổi nên rất khó tìm việc. Được công ty tuyển dụng với vị trí tạp vụ, mức lương hằng tháng tầm 6 triệu đồng, tôi rất mừng. Vừa gần nhà lại có thu nhập trang trải cuộc sống”. Hiện nay tại Công ty TNHH Điện tử Mimi Teck có khoảng 180 công nhân, chủ yếu là lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Thành Đồng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, hiện các DN, cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ với công việc may gia công, hoạt động phụ trợ đã và đang là hướng đi mới trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhất là với lao động trung tuổi. 

Thời gian tới phòng sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về công tác đào tạo nghề; chủ động kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế...

Theo Baobacgiang.com.vn