Liên kết Liên kết

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 17,408
Tổng số trong ngày: 4,438
Tổng số trong tuần: 7,413
Tổng số trong tháng: 110,865
Tổng số trong năm: 593,942
Tổng số truy cập: 10,121,686

Xóa nghèo bằng cơ chế đặc thù

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Bằng cơ chế hỗ trợ đặc thù, nhiều chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai ở vùng đặc biệt khó khăn đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.

Kết thúc năm 2019, theo kết quả thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang còn hơn 23,1 nghìn hộ nghèo (chiếm 5,01%), giảm 2,28% so với năm 2018, vượt mục tiêu đề ra. Các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế là những địa phương có số lượng hộ nghèo giảm mạnh. Riêng huyện Sơn Động (địa phương thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), còn hơn 5,7 nghìn hộ nghèo, tương ứng 28,29%, vượt mục tiêu đề ra.

Đường giao thông liên thôn ở xã Tân Lập (Lục Ngạn) được đầu tư từ chính sách hỗ trợ đặc thù.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được biết: Để có được những kết quả tích cực trên, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, tỉnh còn linh hoạt trong thực hiện những chương trình đặc thù của T.Ư, tỉnh, ưu tiên các nguồn lực cho vùng khó khăn. Cách làm này đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững ở những vùng có điều kiện KT-XH khó khăn.

Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện Lục Nam được phân bổ 4 tỷ đồng từ chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ nguồn kinh phí trên, huyện dành cho hoạt động vốn vay ưu đãi. 

Theo ông Vũ Trí Bào, Trưởng phòng LĐTBXH huyện, phòng phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH để lựa chọn, giải ngân cho những hộ có điều kiện xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, lồng ghép vốn vay với nguồn dành cho các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình 135) để triển khai các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương.

Ông Đàm Đức Thọ, thôn Đồng Bình, xã Bình Sơn thu lãi gần 150 triệu đồng/năm từ nuôi ong.

Đơn cử như tại thôn Đồng Bình, xã Bình Sơn, nhờ được hỗ trợ vốn vay từ chính sách đặc thù theo Quyết định 2085, ngoài phát triển vùng cây ăn quả, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo với mô hình nuôi ong. Thôn hiện có 155 hộ thì hơn 100 hộ kết hợp trồng vải thiều với nuôi ong lấy mật. 

Tính từ năm 2015 đến nay, thôn đã có 23 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo trong thôn xuống còn 39 hộ. Ông Đàm Đức Thọ (SN 1964) hiện nuôi hơn 400 đàn ong lấy mật, thu lãi gần 150 triệu đồng/năm chia sẻ: “Tận dụng diện tích đồi vải rộng, lại được hỗ trợ vốn, từ năm 2015, tôi nuôi 100 đàn ong. Cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật nên đàn ong phát triển tốt. Đến nay, gia đình tôi có nguồn thu ổn định, có điều kiện cải tạo nhà ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt”.

Một trong những nguyên nhân khiến khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là do hạ tầng nông thôn như đường giao thông, công trình thủy lợi xuống cấp, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của bà con. Để khắc phục thực trạng này, giai đoạn 2016-2018 và 2019-2021, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh, mức từ 1-1,5 tỷ đồng/thôn, bản. Nghị quyết hợp lòng dân nên quá trình thi công các công trình đều có sự hưởng ứng tích cực của nhân dân từ hiến đất đến góp công sức xây dựng.

Ông Lại Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Lục Ngạn) cho biết: Cùng với nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã cân đối, lồng ghép với các nguồn vốn từ Đề án hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, Quyết định 102, Dự án TB1… tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi. 

Trong đó, ưu tiên thi công các tuyến đường có nhiều thôn cùng hưởng lợi và nơi khó khăn hơn cả. Điển hình như năm 2018, xã hoàn thành hơn 8km đường giao thông nội thôn với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Công trình hoàn thành tạo điều kiện đi lại cho bà con 4 thôn: Hòa Trong, Lại Tân, Tân Bình, Hoàng Hoài. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Lập hiện giảm còn 11,58%.

Để hướng tới giảm nghèo bền vững, tạo sức bật cho các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn, cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tỉnh tiếp tục hỗ trợ sản xuất theo hình thức có đối ứng để người nghèo xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý thức vươn lên. Đặc biệt, có thêm những chính sách đặc thù theo mức độ khó khăn, tiêu chí thiếu hụt, nhất là nhu cầu của người nghèo. Từ đó, tránh lãng phí và nâng hiệu quả nguồn hỗ trợ.

Theo Baobacgiang.com.vn