Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 13,320
Total visited in day: 11,821
Total visited in Week: 14,796
Total visited in month: 118,248
Total visited in year: 601,325
Total visited: 10,129,069

ATGT học đường, còn nhiều trăn trở

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống loa đài truyền thanh phường, xã thường xuyên thông báo (nêu tên tuổi, địa chỉ) các trường hợp các em học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tình trạng học sinh, nhất là học sinh THPT vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh còn diễn ra khá phổ biến.

Tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Bắc Giang vào giờ đi làm buổi sáng và vào giờ tan tầm buổi trưa, buổi chiều sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh học sinh điều khiến xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang hàng 3 hàng 4, chở quá số người quy định, thậm chí có trường hợp học sinh sử dụng xe gắn máy phóng nhanh, vượt quá tốc độ cho phép, nẹt pô ầm ĩ, lạng lách đánh võng, khiến những người cùng tham gia giao thông rất ái ngại và lo lắng.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Giang, trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người, làm bị thương 71 người. So với cùng kỳ năm 2021, mặc dù số vụ tại nạn giảm 7 vụ, giảm 18 người bị thương, nhưng số người chết tăng 7 người.

Những năm qua, cùng với cả nước, Bắc Giang luôn nỗ lực giảm TNGT ở trẻ em thông qua nhiều chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, Bắc Giang quán triệt nội dung Chỉ thị đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ban ATGT tỉnh xây dựng Chương trình phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, thực hiện tuyên truyền theo chủ đề Năm ATGT nhằm đảm bảo trật tự ATGT theo cả giai đoạn, chỉ đạo đưa chương trình giảng dạy pháp luật về trật tự ATGT, quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm vào các cấp học và được quy định là chương trình của năm học tới tất cả các cấp học. Nội dung các chương trình nêu bật tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm và một số biện pháp nâng cao ý thức chấp hành đội mũ bảo hiểm như: Ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một vấn đề hết sức cần thiết; giáo dục, tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng, khuyến khích đội mũ bảo hiểm an toàn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông trên đường; giám sát và xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không tuân thủ quy định, làm gương cho xã hội.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên tăng cường công tác giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh; tổ chức ký cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong công tác đảm bảo ATGT của đơn vị.

Ảnh minh họa (nguồn thuonghieucongluan.com.vn)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn thành phố Bắc Giang, số lượng học sinh, nhất là học sinh THPT vi phạm ATGT khá nhiều. Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về trật tự ATGT đối với học sinh, sinh viên, nhất là các hành vi vi phạm nguy hiểm như: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang hàng 3 hàng 4, chở quá số người quy định…; thường xuyên thông báo các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT đến các trường học để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, răn đe, xử lý. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng phối hợp với các địa phương, cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm để địa phương thực hiện thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức truyền thông này được cho là đem lại hiệu quả khá tốt, vì tác động trực tiếp đến gia đình, phụ huynh học sinh, đến bạn bè, thày cô của các em.

Ở lứa tuổi học sinh, nhiều em thích thể hiện bản thân, muốn phá cách thông qua việc không tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông. Thiết nghĩ, việc giáo dục ý thức tham gia giao thông trước tiên cần được thực hiện tự giác từ mỗi gia đình. Nếu trong gia đình, các bậc phụ huynh gương mẫu chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông thì con cái cũng sẽ noi theo. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ quan tâm, thường xuyên nhắc nhở con em mình tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông sẽ giúp các em có ý thức tham gia giao thông an toàn, góp phần bảo vệ tương lai của chính bản thân các em./.

Vân Hồng