Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 11,224
1日当たりのページのアクセス回数: 11,358
1週間当たりののページのアクセス回数: 14,333
1か月当たりのページのアクセス回数: 117,785
1年間当たりのページのアクセス回数: 600,862
ページのアクセス回数 : 10,128,606

Cần nâng cao công tác tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+

Mặc dù chúng ta vẫn thường nói công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản (nói chung), trong đó tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên (nói riêng) là rất quan trọng, tuy nhiên nhìn lại thì thấy hiệu quả tuyên truyền thời gian qua chưa được như mong muốn.

Mới đây, trên Báo Tuổi trẻ onlie có đăng bài viết: Giật mình học sinh lớp 3 viết thư hỏi con trai có thai không?”,trong đó đăng tải bức thư của em  T.P.P. học sinh lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh gửi đến hỏi về chuyện giáo dục giới tính. Trong thư, em kể: "Bạn con tranh cãi với con rằng, nếu con trai đụng vào đồ của con gái thì con trai sẽ có thai. Con không đồng tình với ý kiến của bạn ấy. Theo như những gì con học được từ Internet thì phụ nữ mới có khả năng tạo ra con người. Còn đàn ông tiếp chất để tạo ra con người qua đường tình dục. Cho nên việc con trai chạm vào đồ của con gái là vô hại. Tuy nhiên, đây là quan điểm của con, không biết đúng hay sai. Cho nên hôm nay con nhờ báo Tuổi Trẻ giải đáp thắc mắc...".

Trong thực tế cuộc sống, chắc hẳn các bậc cha mẹ đều có không dưới một lần được nghe con cái mình hỏi những câu hỏi kiểu như: Con được sinh ra như thế nào? Ai tạo ra con? Con chui ra từ đâu? Rồi những câuhỏi “ngô nghê” nhưng hết sức thú vị của các em về giới tính và sức khỏe sinh sản như:  Bao cao su là gì? Thuốc tránh thai chỉ bạn gái uống, hay bạn trai cũng phải uống. Uống thuốc tránh thai chỉ có tác dụng ngay lúc uống hay uống một lần sẽ có tác dụng mãi mãi? v.v... Vậy làm thế nào để trả lời câu hỏi của các em sao cho phù hợp với độ tuổi, tâm lý của các em. Không phải bậc cha mẹ nào cũng giải thích cặn kẽ cho con hiểu theo đúng với tầm nhận thức của con. Có rất nhiều lý do để việc giải thích này chưa được thỏa đáng. Cha mẹ có thể cũng không đủ trình độ để giải thích cho con hiểu; hoặc có thể nghĩ rằng con còn nhỏ, chưa đến tuổi phải biết về điều đó, đợi đến khi con lớn rồi sẽ giải thích cho con hiểu sau; hoặc cha mẹ chưa thực sự quan tâm về những thắc mắc của trẻ; hoặc ngại ngần không muốn cho con biết, sợ “vẽ đường cho hươu chạy”... Vậy là, ở trong rất nhiều gia đình, kiến thức về giới tính, về sức khỏe sinh sản vị thành niên bị thiếu hụt.   

Trong nhà trường, việc giáo dục giới tính cũng đã có, song thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Theo chương trình giáo dục phổ thông thì việc giáo dục giói tính đã được đưa vào trường học chính khóa cho học sinh bậc tiểu học. Nhưng đến lớp 5 các em mới được học 8 tiết trong 4 tuần (mỗi tuần 2 tiết). Nội dung học về sự sinh sản, sự hình thành của cơ thể từ tuổi vị thành niên đến già, cách vệ sinh tuổi dậy thì. Như vậy, các em từ lớp 4 đến trẻ mầm non chưa được học, trong khi thực tế hiện nay nhiều em dậy thì khá sớm (chỉ từ 10- 11 tuổi), chưa hề được trang bị gì về kiến thức trong lĩnh vực này.

Hiện nay, intenet phát triển mạnh mẽ, là điều kiện lý tưởng để giáo dục giới tính nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng cho trẻ vị thành niên. Tử các Sở giáo dục, đến các Phòng, các nhà trường hầu như đều có Trang thông tin điện tử nội bộ để đăng tải những thông tin hoạt động của thày và trò trong nhà trường. Riêng ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang hiện có trên 500 Website hoạt động, tạo nên bức tranh thông tin rất lớn của ngành. Tuy nhiên trên đó hầu hết là những thông tin về các văn bản chỉ đạo điều hành của ngành từ trên xuống; những tin tức hoạt động các trường; các chỉ tiêu, phong trào thi đua; những kế hoạch, mục tiêu, thành tích kết quả đạt được của năm học; phổ biến giáo dục pháp luật. Còn những nội dung liên quan đến giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em gần như vắng bóng. Bao nhiêu thắc mắc thầm kín của các em không được giải đáp. Vậy là nhiều khi các em phải tự mầy mò tìm hiểu lấy, kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy có thể bủa vây, rình rập các em.

Thiết nghĩ, công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản phải được triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện hơn, không chỉ bó hẹp trong việc tuyên truyền của ngành y tế hay trong vài tiết học ở nhà trường phổ thông. Trên các trang thông tin điện tử của các trường học, có thể đăng tải thông tin kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; có thể mở chuyên mục, diễn đàn để các em có thể trao đổi thẳng thắn với nhau về các vấn đề giới tính; hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của các em xung quanh những nội dung đó. Nhà trường cũng có thể huy động Hội phụ huynh, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà tâm lý, nhà xã hội học... cùng đồng hành để trang bị kiến thức cho các em. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lớn, hy vọng rằng công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần trang bị cho các em những hành trang cần thiết để bước vào đời với tương lai tốt đẹp./.

 

                                                              Vân Hồng