Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 11,343
Total visited in day: 11,330
Total visited in Week: 14,305
Total visited in month: 117,757
Total visited in year: 600,834
Total visited: 10,128,578

Tăng cường tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+

Mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong các chương trình, được phản ảnh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và tình dục của vị thành niên, thanh niên.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN) là một trong những công tác quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng dân số, vì vậy công tác này cũng được thực hiện ở các trường phổ thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh (HS) về bảo vệ, chăm sóc SKSS cho bản thân.

Những năm qua, vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho lứa tuổi này.

Ở nhiều nơi, việc học sinh mang thai ngoài ý muốn đã xảy ra và kéo theo những hệ lụy không nhỏ về sau. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm, không có sự truyền thông giáo dục vì thói quen, tập quán ngại chia sẻ những kiến thức liên quan về giới, về SKSS.

Các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích hợp nội dung tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tìm hiểu về HIV/AIDS, KHHGĐ trong từng tiết học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dàn dựng tiểu phẩm sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, tổ chức hội thi,... để trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến SKSS của bản thân. Cụ thể như nguy cơ quan hệ tình dục sớm dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục hoặc viêm nhiễm phụ khoa do thiếu hiểu biết.

Các hoạt động truyền thông này đã ít nhiều tác động tích cực đến học sinh. Bên cạnh đó việc duy trì câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản trong nhà trường cũng đã giúp học sinh được nâng cao hiểu biết. Việc tham gia Câu lạc bộ giúp các em được trang bị những kiến thức rất bổ ích về sức khỏe giới tính hay sự biến đổi tâm sinh lý. Từ đó em cảm thấy tự tin hơn trong các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức Ban Tư vấn tâm lý học đường tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý, SKSS và những thắc mắc về giới của HS. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khác như: hội thi tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tìm hiểu HIV/AIDS, diễn tiểu phẩm, lồng ghép nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong buổi sinh hoạt dưới cờ thu hút rất nhiều học sinh  tham gia.

Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2020 với nhiều nội dung quan trọng. Chiến lược xác định bảy giải pháp cụ thể, từ tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông đối với tất cả các nhóm đối tượng, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi và vị thành niên; nâng cao chất lượng truyền thông giáo dục; nâng cao chất lượng dịch vụ dành cho người cao tuổi, trẻ vị thành niên, chất lượng dịch vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đào tạo và tập huấn theo địa chỉ, theo nhu cầu, nhất là vùng sâu, vùng xa...

Trên toàn quốc một số mô hình đã và đang được triển khai nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và dịch vụ về dân số - sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên như mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, mô hình “Cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện với vị thành niên, thanh niên”.

Có thể nói, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là công tác quan trọng góp phần ổn định nhiều mặt của xã hội, phòng tránh nhiều hệ lụy tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số, gia đình về lâu dài cho địa phương. Việc nâng cao hiệu quả công tác này là vấn đề cần quan tâm. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe nhân các chiến dịch; chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà…để giáo dục, động viên con em trong việc tham gia tư vấn và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, gia đình và xã hội cần tạo mọi điều kiện để vị thành niên, thanh niên tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng; bảo đảm để vị thành niên, thanh niên được quan tâm chăm lo toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

 

Nguyệt Anh (Tổng hợp)