Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang Làm tốt công tác quản lý báo chí

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+

Làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí là mục tiêu quan trọng để đảm bảo báo chí luôn hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đồng hành tích cực với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Đặc san Người làm báo Bắc Giang có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xung quanh nội dung này.

Giám đốc Sở TTTT Bắc Giang Trần Minh Chiêu tại hội nghị tập huấn

Thưa ông, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Những năm qua, cùng với cả nước, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, các cơ quan báo chí mở nhiều đợt tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; phản ánh toàn diện các mặt chính trị- kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng- an ninh; tuyên truyền những vấn đề nhân dân quan tâm.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở TT&TT tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các cơ quan báo chí tỉnh hoạt động đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của Luật Báo chí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC lĩnh vực bưu chính, viễn thông và báo chí, xuất bản

Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, hằng quý, Sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thông tin báo chí để cung cấp thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội đến các cơ quan báo chí, và thông qua đây cũng kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của cơ quan báo chí truyền thông đối với sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh.

Các cơ quan báo chí tỉnh, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn hoạt động tác nghiệp báo chí luôn đảm bảo phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bám sát sự chỉ đạo của cơ quan báo chí Trung ương, đồng thời bám sát định hướng, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT; Hội Nhà báo tỉnh; thông tin kịp thời, khách quan toàn diện các sự kiện thời sự, chính trị của đất nước và quốc tế; theo dõi, nắm bắt, phản ánh khách quan, trung thực về các lĩnh vực của tỉnh, đáp ứng tốt quyền và nhu cầu được thông tin của người dân, góp phần định hướng dư luận.

Hiện nay, còn tình trạng một bộ phận cơ quan báo chí, phóng viên, cộng tác viên chưa tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, ông có thể nói rõ hơn về thực trạng này trên địa bàn?

Bên cạnh các cơ quan báo chí, người làm báo tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, hiện vẫn có một bộ phận cơ quan báo chí, phóng viên, cộng tác viên (chủ yếu ở các Tạp chí) chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong hoạt động báo chí. Biểu hiện rõ nhất là việc các phóng viên, cộng tác viên này lạm dụng việc cấp, sử dụng giấy giới thiệu: dùng giấy giới thiệu như một dạng thẻ hành nghề (dùng đi dùng lại nhiều lần cho nhiều nội dung, đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương…); nội dung yêu cầu cung cấp thông tin ghi trên giấy giới thiệu chưa đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí; đưa ra yêu cầu đề nghị cơ sở cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra, vượt quá chức năng, quyền hạn của cơ quan báo chí. Tình trạng phóng viên đi thành đoàn dăm bảy người, trong đó chỉ một người có thẻ nhà báo, còn lại những người khác không có thẻ, chỉ có giấy giới thiệu; hoặc các phóng viên không có thẻ nhà báo mà chỉ có thẻ phóng viên (do nội bộ Cơ quan báo chí đó cấp) dùng để tác nghiệp…

Theo phản ánh từ cơ sở, có phóng viên khi về tác nghiệp chưa có tác phong làm báo chuẩn mực, thiếu lịch sự, không tôn trọng cơ sở, kỹ năng khai thác thông tin thiếu chuyên nghiệp, thái độ hách dịch, thậm chí buông lời dọa dẫm, biểu hiện nhũng nhiễu, chỉ tập trung khai thác những mặt trái, viết bài thổi phồng hạn chế, bất cập ở địa phương để mặc cả ký hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo nhằm trục lợi, khi không được đáp ứng yêu cầu thì dọa đăng bài phản ánh sai phạm... Phóng viên một số báo câu kết với nhau, “đánh hội đồng” doanh nghiệp theo kiểu: sau khi báo này đăng liên tiếp mấy số phản ánh sai phạm của doanh nghiệp, thì ngay sau đó sẽ có báo khác đến gạ gẫm đăng bài quảng cáo hoặc tuyên truyền, quảng bá về kết quả, thành tích của doanh nghiệp đó. Có Tạp chí chuyên ngành không có chức năng điều tra, nhưng lại khai thác thông tin, đăng tải nhiều kỳ bài viết mang tính chất điều tra.

Thực trạng này gây bức xúc cho cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác, làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan báo chí và người làm báo chân chính.

Vậy, Sở TT&TT đã có những giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở TT&TT Bắc Giang đã tăng cường công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh vi phạm, để hoạt động báo chí trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật. Sở cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, kịp thời xác minh, xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động báo chí, qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của báo chí trong thời đại thông tin đa chiều hiện nay.

Mặt khác, Sở cũng thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm Luật Báo chí, đặc biệt Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời Sở tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, ngại tiếp xúc, chậm hoặc không cung cấp thông tin, gây khó khăn cho cơ quan báo chí, phóng viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Sở ban hành các văn bản về việc tăng cường quản lý báo chí, truyền thông trên địa bàn; thông tin về đường dây nóng báo chí của tỉnh, của Bộ; hướng dẫn việc kiểm tra giấy tờ tác nghiệp báo chí; trả lời kiến nghị của doanh nghiệp… Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều cuộc trao đổi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo một số cơ quan báo chí Trung ương liên quan đến yêu cầu khai thác thông tin trên địa bàn, nhằm đảm bảo quyền được khai thác thông tin của báo chí, đồng thời không vượt quá phạm vi tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; mời lãnh đạo doanh nghiệp đến để trao đổi về những nội dung liên quan. 

Sở TT&TT Bắc Giang đã xây dựng những nhiệm vụ gì để tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước báo chí trong thời gian tới?

Quán triệt quan điểm của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Quản lý nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước”. Trong thời gian tới, Sở TT&TT Bắc Giang tiếp tục phấn đấu làm tốt công tác quản lý nhà nước, tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí trên địa bàn. Để hoàn thành nhiệm vụ này, các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt việc cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật. Đồng thời không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.

Đề nghị các cơ quan báo chí tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương thông tin và công tác quản lý nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; phát huy vai trò là kênh thông tin quan trọng, chính thống và toàn diện trong công tác thông tin tuyên tuyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hội Nhà báo tỉnh nâng cao vai trò giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, đẩy mạnh phong trào “xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Đề nghị các cơ quan đại diện báo Trung ương thường trú tại tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT, Hội Nhà báo tỉnh, quản lý nhà báo, phóng viên đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tổ chức tập huấn cho các địa phương, đơn vị kỹ năng ứng xử, tiếp xúc với báo chí, đặc biệt là kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, công tác truyền thông chính sách… Đồng thời, Sở sẽ tăng tính chủ động, phát huy thẩm quyền được pháp luật giao, nhất là tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt VPHC lĩnh vực bưu chính, viễn thông và báo chí, xuất bản để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả đối với hoạt động của cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Đặc san Người làm báo Bắc Giang)